Làm Giàu Từ Trồng Rau An Toàn

Trong những năm gần đây, phong trào nông dân (ND) làm kinh tế giỏi phát triển rộng khắp trên địa bàn xã Tân Định (Bến Cát - Bình Dương). Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương ND sản xuất giỏi tiêu biểu, trong đó có ND Nguyễn Văn Đậu (ấp 3, xã Tân Định) với mô hình trồng rau an toàn (RAT)…
Nhờ Hội ND xã Tân Định giúp đỡ vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, gần 8 năm “chung thủy” với mô hình trồng RAT, ông Nguyễn Văn Đậu đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Đậu cho biết, trồng RAT điều cơ bản là phải hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi phòng trừ sâu bệnh.
Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi qua sách báo, nghe đài, qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, những lần tham quan mô hình trồng RAT hiệu quả… đã giúp ông Đậu xây dựng thành công mô hình trồng RAT của mình. Theo ông Đậu, trồng rau không cần nhiều vốn và đất, điều quan trọng là phải bảo đảm nguồn nước tưới và vệ sinh đất trồng thường xuyên. Mùa nắng cũng như mùa mưa, người trồng rau phải thường xuyên giữ cho lượng nước trung bình không để thiếu và cũng không để ngập úng.
Bên cạnh đó, người trồng RAT cũng cần có cái “tâm”, đừng vì lợi nhuận mà quên đi việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với mô hình RAT phát triển khá bền vững đã giúp gia đình ông có thu nhập mỗi năm gần 150 triệu đồng, tạo dựng cuộc sống ổn định, xây cất nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các phương tiện sinh hoạt, nuôi con ăn học thành tài…
Hiện nay, ông Đậu cùng một số bà con đã tham gia vào tổ RAT của xã Tân Định. Là tổ trưởng tổ RAT, ông luôn tích cực trong mọi phong trào và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các ND khác. Từ mô hình trồng RAT của ông và việc hình thành tổ RAT, đến nay xã Tân Định đã có 46 hộ đăng ký thực hiện mô hình này.
Cũng theo ông Đậu, ND tham gia vào tổ RAT, được hỗ trợ vốn, vật tư phân bón, cây giống và nhất là việc bao tiêu sản phẩm ổn định, không phải lo bị thương lái ép giá. Điều ông Đậu trăn trở là hiện nay nhiều hộ muốn trồng RAT đều gặp khó khăn về vốn, vì thế rất mong nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền để có hướng làm ăn hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

“Cây giống sản xuất bằng nuôi cấy mô có giá thành cao hơn so với sản xuất truyền thống, nhưng có ưu điểm là chất lượng tốt, đồng đều và sản xuất với số lượng lớn được”, anh Ngô Quang Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ươm Mầm Việt (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), chia sẻ.

Khi quả chín, vỏ dày và có màu vàng sáng, hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp lại để được lâu hơn các giống chuối thường nên tiêu thụ rất thuận lợi vào các dịp lễ, Tết. Hiện nay, một buồng chuối tiêu hồng được bán với giá từ 200 - 400 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí người trồng chuối sẽ thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào (cao gấp 3 lần giống chuối thường).

Giống cam trên vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ chủ yếu là các giống cam đặc sản, chín muộn như cam Xã Đoài, cam Vân Du và Cam V2. Tháng 12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KHCN đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An.

Có những tư thương thu mua cả vườn cam có mức sản lượng từ vài chục tấn đến 200 tấn. Qua đó, giúp cho giá cam tại Bắc Quang đầu vụ tăng lên từng ngày. Theo ghi nhận, giá cam ngày 15.1 bán tại gốc ở mức hơn 9.000đ/kg, đến ngày 17.1, giá đã được nâng lên mức từ 10 – 12.500đ/kg.

Được biết, huyện Cai Lậy có 14.200 ha cây ăn trái, trong đó có 10.300 ha vườn chuyên canh. Sầu riêng là cây ăn trái chiếm diện tích lớn của huyện, tập trung tại các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, Mỹ Long… Theo tổng hợp từ Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy, sầu riêng xử lý cho trái nghịch mùa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, trên 500 triệu đồng/ha.