Hiệu quả từ mô hình trồng đậu phộng trái mùa

Gia đình chị Đặng Thị Cẩm Vân, phường Phước Thới, quận Ô Môn là một trong những hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng đậu phộng. Đặc biệt, những vụ đậu phộng mùa khô đã đem lại năng suất và chất lượng khá ổn định cho gia đình.
"Canh tác đậu phộng trái mùa không phải là mô hình mới, nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được", chị Vân chia sẻ. Tận dụng triệt để nguồn đất cát tơi xốp, phì nhiêu và địa hình khu vực có nhiều kênh rạch, ao hồ thuận lợi cho công tác tưới tiêu, chị Vân và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn đã không ngần ngại quyết định tìm ra lời giải cho bài toán khó mang tên "được mùa mất giá" trên cây đậu phộng.
Cũng theo chị Vân, cây đậu phộng trái vụ thực chất không khác cây đậu phộng chính vụ, chỉ khác ở điểm, cây đậu phộng trồng chính vụ ít tốn công chăm sóc hơn trồng trái vụ. Bởi lẽ, đậu phộng là loài cây dễ trồng, cần nhiều nước. Có thể nói, năng suất của vụ đậu phộng tùy thuộc vào lượng nước cung cấp có đầy đủ hay không. Chính vì thế, một trong những yêu cầu chính để canh tác có hiệu quả cây đậu phộng vào mùa khô chính là phải đặc biệt chú ý đến hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới tiêu.
Từ những kinh nghiệm trong canh tác, chị Vân đã tính toán và chia vụ đậu phộng thành nhiều đợt khác nhau trong năm để thu thêm lợi nhuận. Sở hữu hơn một ha đất ruộng, trung bình mỗi năm, ruộng đậu phộng của chị cho ba vụ thu hoạch. Trồng đậu phộng chính vụ cho sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp, có khi chưa đến 20.000 đồng/kg. Ngược lại, mặc dù trái vụ nhưng trồng đậu phộng mùa khô luôn cho năng suất và chất lượng khá cao, sản lượng vẫn đạt từ bốn đến năm tấn/ha. Thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 22.000 đến 25.000 đồng/kg, có lúc lên tới 28.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg so với trồng chính vụ. Sau khi trừ hết tất cả các chi phí, chị Vân thu lãi gần 40 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, thân đậu phộng cũng được tận dụng bán để làm thức ăn cho bò, góp phần tăng thêm thu nhập. Bình quân, nông dân thu thêm hơn ba triệu đồng/ha. Đậu phộng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bệnh, ít vốn. Bứt phá và sáng tạo bằng việc tìm ra hướng đi mới trong canh tác, nông dân trồng đậu phộng trái vụ đã phần nào tìm ra lời giải cho bài toán khó mang tên "được mùa mất giá". Hướng đi riêng này đã giúp người nông dân vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, ngay từ đầu tháng 1, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư gồm: Trên 700 tấn phân bón các loại; 5,5 tấn lúa giống, trong đó, lúa lai 3,5 tấn với các giống chủ yếu là: Syn6, Nhị ưu 838, Bio 404… và trên 20 tấn ngô giống, 100% là giống ngô lai.

Ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức trao Chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho Hợp tác xã chè Tân Hương, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Tân Cương) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Nhà Thờ (Phúc Trìu).

Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...

Mới gặp tôi, ông Vương Khánh Hùng ở xã Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) đã chia sẻ: “Sống ở vùng úng trũng, chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng quanh năm lại thường xuyên bị lũ lụt nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng với gia đình tôi. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi nghĩ phải “tích tụ” ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng giải quyết nhanh khâu làm đất, đặc biệt là khâu thu hoạch tránh lũ mới có được thu nhập ổn định...”.