Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Vịt Chuyên Trứng An Toàn Sinh Học

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Vịt Chuyên Trứng An Toàn Sinh Học
Ngày đăng: 16/05/2012

Năm 2011, Trạm Khuyến nông TP Thái Nguyên đã triển khai mô hình nuôi vịt sinh sản chuyên trứng an toàn sinh học tại phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, với quy mô 400 con vịt Triết Giang thương phẩm và 4 hộ nông dân tham gia mô hình.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 40% chi phí thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng và được tập huấn kỹ thuật hướng dẫn nuôi theo phương thức thả vườn.

Đối tượng tham gia mô hình là những hộ nông dân có diện tích vườn rộng, có xây bể nước nổi; khu vực chăn nuôi được cách ly với các gia súc, gia cầm khác để giúp việc kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ và chủ động. Vịt con được tiêm phòng các loại vắc xin và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ hướng dẫn mô hình cho biết, trong quá trình nuôi tỷ lệ mắc các bệnh thông thường giảm hơn so với phương pháp nuôi truyền thống; vịt đồng đều ít bị còi cọc, tỷ lệ sống của vịt 13 tuần tuổi đạt 95%.

Qua theo dõi cho thấy, khối lượng sinh trưởng của vịt siêu trứng Triết Giang tại mô hình là đạt yêu cầu, tuần tuổi thứ 4 đạt 0,6 - 0,7 kg và vịt bắt đầu đẻ trứng ở tuần tuổi 13 với (sớm so với quy trình khoảng 2 tuần) với trọng lượng khoảng 1,2kg - 1,4kg; tỷ lệ đẻ đạt 50% ở 15 tuần tuổi, tỷ lệ đẻ đạt 90% ở tuần tuổi thứ 17; kết quả này tương đương so với các hộ nuôi vịt thả dưới ao, hồ.

Anh Nguyễn Đức Hồng, hộ chăn nuôi giỏi tại tổ 17 phường Thịnh Đán, cho biết: tham gia mô hình anh được hỗ trợ nuôi 100 vịt đẻ; sau 30 tuần nuôi (tương đương với 7 tháng tuổi) anh thu được hơn 21.3 triệu đồng từ tiền bán trứng, trừ các khoản chi phí cho lãi 3,2 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm anh Hồng cho biết, nuôi vịt an toàn sinh học thả vườn có ưu điểm là không vất vả, dễ chăm sóc; vịt ít bị bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp, vịt bị mất mát cũng thấp hơn so với nuôi vịt thả đồng. Điều quan trọng hàng đầu là phải tiêm phòng vắc xin dịch tả cho vịt đủ 3 lần; hàng tháng vệ sinh vườn, chuồng nuôi 3 - 4 lần, quét vôi hoặc phun thuốc sát trùng xung quanh và nền chuồng để diệt trùng. Do nuôi vịt trên cạn cần chọn loại thức ăn có chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn của vịt; cứ 1 - 2 ngày phải thay nước bể để cho vịt có nuớc sạch để uống và tắm thì vịt sẽ đỡ bị hôi và không ảnh hưởng tới chất lượng trứng.

Giống vịt Triết Giang có nhiều ưu điểm so với các giống vịt chuyên trứng được nuôi tại địa phương: vịt Triết Giang cho sản lượng trứng cao hơn năng suất trứng của vịt Cỏ, tương đương với năng suất trứng của các giống vịt siêu trứng khác như Khaki Campbell và CV 2000. Ngoài ra, trọng lượng của vịt Triết Giang cho đẻ khá nhỏ (khoảng 1,2 - 1,4 kg/con) nên tiêu tốn thức ăn ít hơn.

Những năm gần đây dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1 liên tiếp sẩy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và có diễn biến phức tạp; môi trường chăn nuôi đang bị ô nhiễm, mầm bệnh có sẵn và dễ dàng phát tán trong các ao, hồ, đầm, đồng ruộng... Mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng Triết Giang theo phương pháp an toàn sinh học bước đầu thành công đã giúp khắc phục được những tồn tại trên.

Mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng Triết Giang theo phương pháp an toàn sinh học rất phù hợp điều kiện chăn nuôi của các hộ nông dân của phường Thịnh Đán cũng như trên toàn địa bàn TP. Thái Nguyên. Phương thức nuôi này cũng áp dụng rất tốt đối với các tỉnh trung du, miền núi và những vùng không có nhiều diện tích mặt nước. Mô hình cần được nhân rộng nhằm đảm bảo được sự an toàn trong việc phòng chống dịch bệnh và góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam Tiếp Tục Là Nước Xuất Khẩu Hạt Tiêu Lớn Nhất Hiện Nay Việt Nam Tiếp Tục Là Nước Xuất Khẩu Hạt Tiêu Lớn Nhất Hiện Nay

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 94.000 tấn hạt tiêu, trị giá 618 triệu USD. Trong đó, riêng tháng 7, khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 12.000 tấn, kim ngạch đạt 81 triệu USD.

29/07/2013
Thành Công Từ Nhân Giống Chồn Mướp Thành Công Từ Nhân Giống Chồn Mướp

Từng nổi tiếng với mô hình nuôi heo rừng lai, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), còn phát triển thêm mô hình nuôi chồn mướp (cầy hương), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra triển vọng cho sự bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.

20/07/2013
Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước

Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.

14/05/2013
Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

29/07/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

29/07/2013