Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ốc Hương Thương Phẩm

Là địa phương ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, xã Thanh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã triển khai mô hình “Nuôi ốc hương thương phẩm” cho bà con, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống.
Mô hình “Nuôi ốc hương thương phẩm” ở xã Thanh Hải được triển khai từ năm 2007, có 25 hộ tham gia, trên 100 lồng với khoảng 10 triệu con ốc hương. Trong quá trình triển khai, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm, tổ chức tham quan mô hình thực tế để bà con học tập kinh nghiệm.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các hộ nuôi vay vốn thông qua các dự án phát triển sản xuất hàng năm của huyện. Qua các vụ thu hoạch, sản lượng ốc hương đạt trên 6,7 tấn/năm.
Anh Võ Tưởng, thôn Mỹ Tân 2, tham gia thực hiện mô hình cho biết: Gia đình tôi thả nuôi 3 lồng ốc hương, với hơn 70 vạn con. Do được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng ốc hương phát triển tốt, ít bị bệnh. Sau khi thu hoạch, gia đình thu lãi được gần 80 triệu đồng/năm.
Cùng chung niềm vui, anh Dương Văn Minh, ở thôn Mỹ Tân 2 tham gia mô hình chia sẻ: Mỗi một vụ gia đình tôi thả nuôi khoảng 1 triệu con ốc hương giống cho 4 lồng với tổng số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ốc phát triển tốt cho năng suất đạt trung bình là 180 con/kg, với giá bán từ 170.000-210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi được gần 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Minh, ốc hương chủ yếu ăn tôm, cá, ghẹ..., mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần vào sáng sớm lúc thủy triều xuống. Trước khi cho ốc ăn, cần dọn vệ sinh khu vực nuôi để loại bỏ xác thức ăn thừa ra ngoài. Trong quá trình nuôi thấy ốc bị dịch bệnh thì phải xử lý môi trường nuôi, thường xuyên bổ sung các chất bổ dưỡng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng thì ốc phát triển tốt và đạt hiệu quả cao.
Anh Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải cho biết: Từ hiệu quả của mô hình, đến nay toàn xã đã có 47 hộ nuôi, với 140 lồng ốc hương (khoảng 12 triệu con). Để mô hình phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới địa phương có chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản, mở thêm các lớp tập huấn để người nuôi nắm bắt được các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho ốc; tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng thêm diện tích nuôi nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài.

Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tổng kết việc thí điểm để thực hiện trên diện rộng.

Hải Hà (Quảng Ninh) là một huyện có đường bờ biển kéo dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng để phát huy lợi thế ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên đồng triều, từng bước đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tháng 5-2013, Trạm Khuyến nông huyện Hoằng Hóa phối hợp với UBND xã Hoằng Châu (Thanh Hóa) thực hiện mô hình “Nuôi cua xanh xen vụ nuôi tôm sú”.

Năm 1994, từ Thanh Hóa anh Mai Văn Khẩn vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thấy vùng này phát triển cây rau tốt, anh cũng lân la tìm hiểu và tìm đất canh tác.