Hiệu quả từ mô hình nuôi ếch Thái
Khi thấy mô hình nuôi ếch Thái ở một số địa phương khác mang lại hiệu quả cao, năm 2007 một vài hộ dân trên địa bàn ấp 4, xã Đốc Binh Kiều tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mang về nuôi thí điểm. Bà con đã cải tạo phần đất trũng, đìa sen thành ao nuôi ếch với diện tích trung bình 1.500m2, độ sâu 1,5m.
Trong ao sử dụng lưới bao bọc, đóng cọc chắn chắc với giàn vỉ tre ngang dọc để cho ếch có thể trú ẩn hoặc ngồi tắm nắng... tùy theo điều kiện thời tiết. Thức ăn dành cho ếch là thức ăn Vina mua tại các đại lý thức ăn thủy sản.
Nguồn nước ao nuôi cũng được bơm ra vào thường xuyên đảm bảo môi trường tốt, ít bệnh cho ếch phát triển. Về con giống, ban đầu phải mua từ nơi khác nhưng đến nay có thể tự tái tạo con giống. Hiện tại địa phương có một số thương lái đứng ra mua ếch thịt mang đi thành phố tiêu thụ. Giá dao động từ 39.000 – 42.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, người nuôi có thể thu lãi từ 700 ngàn đồng – 1 triệu đồng/1.000 con (bình quân 3 con nặng 1kg).
Thấy được hiệu quả đó, hàng chục hộ gia đình tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều triển khai nuôi với quy mô lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả và đầu ra chưa ổn định, bị thương lái ép giá, thức ăn thủy sản lên giá nên người nuôi ếch cũng gặp không ít khó khăn. Nắm bắt được tình hình đó, Hội Nông dân xã Đốc Binh Kiều đã thành lập Tổ hợp tác (THT) để giải quyết, hỗ trợ đầu ra cho bà con.
Ông Đỗ Văn Liêm - Chủ nhiệm THT cho biết, sau 15 tháng đi vào hoạt động, Tổ đã có 27 hộ dân tham gia với tổng số ếch thả nuôi là hơn 1 triệu con. Tháng 10/2014, THT đã ký hợp đồng với siêu thị Metro tại Cần Thơ thu mua ếch, giá bán ổn định từ 47.000 – 49.000 đồng/kg. Mỗi tuần Siêu thị đến thu mua 2 chuyến, mỗi chuyến từ 800 - 1.000kg, bước đầu giải quyết đầu ra cho ếch thương phẩm.
Mô hình nuôi ếch Thái đã góp phần giúp địa phương giải quyết việc làm, phát triển kinh tế nông thôn. Ông Trần Ngọc Tánh - Tổ viên THT, người có hơn 5 năm kinh nghiệm nuôi ếch với diện tích thả nuôi 2.000m2, số lượng 50 – 60 ngàn con cho biết: “Lúc trước gia đình chỉ trồng lúa, kinh tế bấp bênh, nhưng nhờ tận dụng đất trũng sau nhà nuôi ếch đã cải thiện thêm thu nhập. Mỗi lứa nuôi từ 2 – 3 tháng thì có thể bán. Nay có THT nên giá ổn định, bình quân gia đình thu lợi nhuận từ 700 ngàn – 800 ngàn đồng/1.000 con.
Ngoài ra, người dân còn tận dụng tốt diện tích ao nuôi ếch để thả cá tăng thêm thu nhập.Vì cá sử dụng nguồn thức ăn thừa của ếch, phân ếch và ếch chết mà không tốn thêm các khoản chi phí khác. Ông Cao Văn Oanh ngụ ấp 4, cho biết: “Gia đình có 30 ngàn - 40 ngàn con ếch thả nuôi trên diện tích 1.500m2 và thả nuôi hơn 4.000 con cá các loại như cá điêu hồng, cá vồ, cá trê... mỗi năm cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng”. Được biết, ông Oanh cũng đang chuẩn bị tham gia vào THT.
Mô hình nuôi ếch Thái tại xã Đốc Binh Kiều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Theo ông Đỗ Văn Liêm, trong thời gian tới THT vận động tất cả các hộ nuôi tham gia vào Tổ và tìm thêm nhiều thị trường tiêu thụ. Hội Nông dân xã cũng đã đề xuất Hội Nông dân huyện Tháp Mười hỗ trợ vốn vay cho người dân phát triển bền vững, trong tương lai sẽ thành lập hợp tác xã.
Có thể bạn quan tâm

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

Toàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 450 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã: Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và nông dân hiện trồng xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa. Giá sả thương phẩm hiện tại được các thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đến mua với giá 5.500 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới 7.500 đồng/kg. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2 đất.

Nhiều vườn cây ăn trái như vú sữa, xoài, sa pô chê… ở Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị suy kiệt, lão hóa, thậm chí “chết đứng” do thối rễ, khô lá, chết nhánh, làm cho nhà vườn lo lắng. Theo một số nhà quản lý, do chủ vườn, thương lái “bắt” cây ra trái quá mức nên cây mới suy kiệt, chết. Còn các nhà vườn lại bảo cây chết là do bón nhầm phân giả, nên nguồn nước, đất vườn bị ngộ độc làm hại cho cây…