Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt
Ngày đăng: 09/01/2013

Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.

Ruộng đất có nhiều nhưng lại nằm trong vùng trũng, không thuận lợi cho việc trồng lúa nên sau nhiều năm trồng lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Điều ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng đã quyết định "dồn điền, đổi thửa" nhằm tìm kiếm một hướng đi mới. Với diện tích mặt hồ trên 1000 m2, ông Điều thả 2.000 con cá trắm cỏ. Để tận dụng lượng phân thải của cá trắm cỏ và nguồn thức ăn ở tất cả các tầng trong một diện tích nuôi, ông Điều còn thả nuôi thêm nhiều loại cá khác như: Cá mè trắng, cá chép hồng, rô phi, cá trôi…

Bắt đầu thả nuôi từ tháng 4/2012, đến nay số lượng cá sống đạt 85%. Trong đó, cá trắm cỏ có trọng lượng bình quân trên 1 kg/con. Các loại cá khác có trọng lượng từ 0,4 - 0,5 kg/con. Hiện nay, cá trắm cỏ có giá 40.000 đồng/kg; cá trôi, cá rô phi, cá chép 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Điều thu lãi khoảng 44 triệu đồng (chưa tính đến sự hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình về giống và vật tư là 11 triệu đồng).

Ông Điều cho biết: "Cá trắm cỏ là loại cá dễ nuôi. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, ông còn tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rau, cỏ, bèo, lá mì… để làm thức ăn bổ sung cho cá, nhằm giảm bớt chi phí". Theo ông Điều, so với trồng lúa, nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Người nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để cho cá ăn (vào buổi sáng và buổi chiều).

Còn ông Bùi Tá Lợi (ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ) thì lại chọn loại cá thác lác cườm để nuôi. Với diện tích 500m2, ông Lợi thả 2.500 con cá thác lác cườm. Sau hơn 7 tháng nuôi, tỉ lệ sống trên 70%. Đây là loại cá mới đối với người nuôi, lại có giá trị kinh tế cao. Dựa vào lợi thế ao nuôi gần chợ nên hằng ngày ông Lợi có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn tươi cho cá.

Ông Lợi chia sẻ: "So với một số loại cá nước ngọt khác thì hiện nay cá thác lác cườm có giá trị cao hơn. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là cá con tươi. Mặt khác, đây là loại cá có hình dáng đẹp nên nhiều người mua về làm cảnh. Sắp đến Tết Nguyên đán nên số lượng người mua về làm cảnh tăng vọt, lại bán được với giá cao hơn rất nhiều so với cá thương phẩm". Hiện tại ông Lợi đã bán được hơn 200 con cá thác lác cườm, trọng lượng từ 3 - 5 gram/con. Trung bình mỗi con có giá từ 100 - 200 ngàn đồng. Trong khi giá cá thương phẩm là 70.000 đồng/kg.

Ông Phạm Đăng Đồng - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện nay có nhiều diện tích trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả, người dân chỉ có thể canh tác một vụ nhưng cũng không mấy "mặn mà", bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc "dồn điền, đổi thửa", tìm kiếm một hướng đi mới là cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Cái khó nhất là việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu bà con không thu hoạch đại trà như trước đây, mà thu hoạch tỉa trong thời gian kéo dài thì sẽ tiêu thụ dễ dàng. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Thương Lái Gom Hàng Giá Heo Tăng Mạnh Thương Lái Gom Hàng Giá Heo Tăng Mạnh

Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.

13/09/2013
Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa Lũ Bảo Vệ Hồ Đập Nuôi Tôm Trong Mùa Mưa Lũ

Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

14/09/2013
Bấp Bênh Đầu Ra Ngao Thương Phẩm Bấp Bênh Đầu Ra Ngao Thương Phẩm

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

14/09/2013
Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

16/09/2013
Hạn Chế Nuôi Tôm Trong Vùng Ngọt Hóa Hạn Chế Nuôi Tôm Trong Vùng Ngọt Hóa

Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.

16/09/2013