Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Đối Mực

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” tại khu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản thuộc Khu sinh thái Cồn Chim- đầm Thị Nại (thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).
Mô hình có quy mô mặt nước 5.000 m2 và 1 hộ nuôi, số lượng cá giống được thả nuôi 5.000 con. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông Tuy Phước triển khai 1 điểm mô hình tương tự tại xã Phước Sơn.
Chủ hộ tham gia thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua cá giống, 50% kinh phí vật tư thức ăn. Kết quả sau 7 tháng nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, tăng trọng nhanh, đạt trọng lượng bình quân 0,4 - 0,5 kg/con. Với sản lượng cá tại mỗi mô hình ước đạt 1.800 kg, với giá bán thời điểm hiện nay là 80.000 đồng/kg, tổng thu 144 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi ròng hơn 55 triệu đồng.
Cá đối mục là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, thích nghi tốt với các biến động của môi trường, đồng thời có khả năng làm sạch môi trường, phù hợp với các ao nuôi tôm suy thoái không thể nuôi tôm. Năm 2012, Trung tâm KNKN đã nuôi thử nghiệm tại Phù Cát, bước đầu đạt kết quả khá tốt. Vừa qua, Trung tâm KNKN cũng đã triển khai 2 điểm mô hình tại xã Phước Thuận với quy mô 5.000 m2/điểm, cá đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ cá nuôi sống đạt hơn 90%, cá phát triển tăng trọng nhanh và hiện nay chưa thấy phát sinh dịch bệnh.
Việc thực hiện thành công mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái; đồng thời có thể xem như có thêm đối tượng nuôi mới bổ sung cho mô hình nuôi tổng hợp tôm-cua-cá, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi tại Bình Định.
Tuy nhiên, theo bà con nông dân, vấn đề bà con băn khoăn nhất là hiện tại nguồn cá giống phải mua từ các tỉnh phía Bắc, không chủ động, thời gian nuôi kéo dài, vào mùa mưa (tháng 9-12 hàng năm) môi trường nước không ổn định, cá thường mắc bệnh lở loét gây thiệt hại, cần có biện pháp khắc phục có hiệu quả. Mặt khác, đây là đối tượng nuôi mới, đầu ra chưa ổn định, nên bà con vẫn còn e ngại khi phát triển nuôi cá đối mục.
Có thể bạn quan tâm

Tìm kiếm thị trường mới, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc là yếu tố quan trọng giúp tăng giá trị cây khoai. Trong ảnh: Nhân công phân loại khoai.

Đã mấy năm nay, chăn nuôi thỏ trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) chủ yếu tập trung ở xã Tân Thới Nhì, Xuân Thới Thượng và Xuân Thới Sơn, nhưng tập trung nhất vẫn là xã Tân Thới Nhì có tổng số đầu con là 4.300 con, chiếm 71,57% đàn thỏ cả huyện.

Năm nay thời tiết thuận lợi, bà con nông dân chịu đầu tư chăm sóc nên vụ cà phê được mùa hơn so với các năm trước. Từ niềm vui được mùa, được giá, nhiều nông dân đã tính chuyện mở rộng diện tích trồng cà phê.

Hiện sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ nông dân ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư thu mua nguyên liệu rơm để làm nấm an toàn. Nghề này đang đem lại cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Đời sống kinh tế - xã hội của xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm (năm 2011 là 25,28%, đầu năm 2012 là 22,18%, phấn đấu năm 2013 còn khoảng 18%). Mặc dù hiện tại, gần 80% số hộ gia đình ở Hoành Mô có mức sống từ trung bình trở lên nhưng công tác giảm nghèo vẫn luôn được xã chú trọng, coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã đưa nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả vào sản xuất. Trong đó mô hình nuôi gà Tiên Yên của ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đông Thành, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình.