Hiệu Quả Từ Mô Hình Nhân Rộng Nuôi Cá Hệ VAC Ở Na Son

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, mô hình nhân rộng nuôi cá hệ VAC ở xã Na Son là một trong những mô hình khuyến nông điển hình giúp người dân ứng dụng KHKT trong nuôi trồng thuỷ sản. Sau 3 năm triển khai, mô hình có sức lan tỏa rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn…
Triển khai thực hiện từ năm 2009, mô hình kuyến nông nhân rộng nuôi cá hệ VAC tại xã Na Son có mục tiêu: chuyển giao cho người dân trên địa bàn tiến bộ KHKT trong việc chăn thả xen ghép các loại cá trắm, trôi, mè nhằm tăng năng suất trong nuôi trồng thuỷ sản; nâng hiệu suất sử dụng diện tích mặt nước ao, hồ trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình đã mở ra một hướng mới trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Với tổng mức đầu tư trên 300 triệu đồng, mô hình triển khai trên diện tích 1,5ha với sự tham của 30 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn, số lượng cá thả nuôi trên 30.000 con. Trong đó, cá trắm 15.000 con, cá trôi 9.000 con, cá mè 6.000 con. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% cá giống, thức ăn tinh (cám hỗn hợp); thuốc phòng, chống bệnh cho cá.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cho biết: Trước khi nuôi, các hội dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá ao như kỹ thuật cải tạo ao, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước, đặc điểm sinh học của từng loại cá nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tỷ lệ thả ghép, cách phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá, phương pháp thu hoạch đảm bảo chất lượng cá thương phẩm.
Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện luôn bám sát cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia dự án triển khai các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Đặc biệt, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức 2 lần hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện mô hình. Thông qua hội thảo, cán bộ kỹ thuật của Dự án và nhân dân đã giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi cá.
Do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Sau 10 tháng thực hiện mô hình, cá đạt trọng lượng trung bình 0,8 - 1kg/con; tỷ lệ cá sống đạt trên 70%. Sản lượng cá ước đạt 20 tấn, với giá bán trung bình (thời điểm năm 2010) là 40.000 đồng/kg, mô hình thu khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ mô hình ước đạt trên 400 triệu đồng.
Ông Lò Văn Dọn, bản Sư Lư B cho biết: Gia đình tôi có 1.500m2 ao thả cá, những năm trước, hàng năm gia đình luôn quan tâm đầu tư mua nhiều cá giống về nuôi, song do thiếu kỹ thuật nuôi nên cá thường mắc dịch, năng suất không cao. Mỗi năm gia đình thu được từ 1 - 2 tạ cá thịt, chỉ đủ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.
Từ khi được tham gia mô hình, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là kỹ thuật cải tạo ao, đây là khâu quan trọng quyết định sự thành công của cả quán trình nuôi cá. Một trong những yếu tố bắt buộc là trước khi thả cá, nước trong ao phải được tháo cạn, vét sạch bùn ở đáy ao, rải vôi bội với liều lượng 7kg/100m2 và phơi đáy ao ít nhất 3 ngày.
Khi lấy nước vào ao cần bố trí lưới lọc để ngăn cản rác bẩn, cá dữ, cá tạp xâm nhập; bón phân chuồng ủ với liều lượng 15kg/100m2 để gây màu nước và tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Bên cạnh thức ăn dạng tinh bột, phải thường xuyên cho cá ăn rau, cỏ tươi… Sau 1 năm tham gia mô hình, gia đình ông thu hoạch được 2,3 tấn cá thịt, sau khi trừ chi phí gia đình tôi còn lãi trên 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cho biết thêm: Cá trắm, trôi, mè là những loại cá dễ nuôi, ít dịch bệnh nên quy trình nuôi tương đối đơn giản. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng có thể tận dụng được từ nững sản phẩm nông nghiệp có sẵn trong các gia đình nông thôn như: cám gạo, ngô; cỏ, lá sắn, phân chuồng…
Từ khi mô hình nhân rộng nuôi cá hệ VAC ở xã Na Son chứng minh hiệu quả, diện tích ao trên địa bàn tăng mạnh (diện tích mặt nước ao năm 2012 tăng 1,7 lần so với năm 2009), hàng năm, nhiều hộ trên địa bàn có thu nhập từ nuôi cá đạt trên 50 triệu đồng. Mô hình khuyến nông nhân rộng nuôi cá ở Na Son đã mở ra cho nông dân hướng phát triển kinh tế mới, giúp họ tăng thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi giữ vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng nguồn giống chất lượng cao sẽ tạo thế đứng, khả năng cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp mà phần lớn khu vực này gắn với đời sống nông dân ở nông thôn.

Những ngày này, bà con nông dân ở các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành (Trà Ôn - Vĩnh Long) đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ sắn. Hiện tại, giá củ sắn dao động từ 3.000 - 3.300 đ/kg, trừ chi phí phân thuốc, nhân công, nông dân còn lời trên 15 triệu đồng/công.

“Giống mì NA1 này vừa cho củ to lại nằm sát mặt đất dễ thu hoạch, lượng tinh bột nhiều, kháng được sâu bệnh, cây ít đổ ngả. Lúc thu hoạch sướng cái bụng lắm”, bà Bùi Thị Mai ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) hào hứng cho biết.

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.