Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Chăn Nuôi

Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hùng Cường cho biết: Mô hình chăn nuôi lợn của HTX có quy mô hơn 2.000ha, với 25 hộ tham gia. Doanh thu của mỗi hộ đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Sau 1 năm thực hiện, đến nay HTX chăn nuôi đã phát triển với quy mô trang trại lên gần 500 lợn nái, hơn 8.000 con lợn giống và lợn thương phẩm. Nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật cũng như chủ động phòng trừ các loại dịch bệnh, bình quân doanh thu hàng năm đạt gần 4 tỷ đồng, nguồn lợi nhuận mang lại đạt 2,5 - 3 tỷ đồng. Các hộ xã viên vừa trực tiếp tham gia chăn nuôi, vừa tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 lao động, với mức lương bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. HTX còn xây dựng một phòng sản xuất tinh để cung cấp tinh giống đảm bảo chất lượng cho các hộ chăn nuôi.
Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, HTX đã liên kết với Công ty CP Thức ăn chăn nuôi CP trong việc phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn cách xây dựng chuồng trại cho các chủ trang trại; đồng thời cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ. Bên cạnh đó, HTX đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, đạt tiêu chuẩn. Các trang trại đều có máy biến thế, máy phát điện đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định. Trong trang trại có khu nhà điều hành, kho chứa thức ăn, nhà sát trùng, bể nước, khu lưu trú, ăn nghỉ cho kỹ sư và công nhân. Hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas) thiết kế đảm bảo xử lý tuyệt đối, chống ô nhiễm môi trường. Tất cả đều được xây dựng theo thiết kế của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi CP, đảm bảo 3 yếu tố: Nhiệt độ ổn định cộng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh phòng dịch chặt chẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xúc tiến việc nghiên cứu nguồn giống, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ lợn sạch. Lợn giống đưa vào chăn nuôi ở HTX Hùng Cường hiện nay là giống lợn nạc ngoại chất lượng cao. Chính vì vậy, giá lợn thương phẩm của HTX luôn cao hơn các loại thịt lợn khác trên thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện, hầu hết sản phẩm lợn thịt của HTX được các lò mổ thu mua, chế biến và đưa đi tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP. Để đảm bảo nguồn cung ra thị trường ổn định, ngoài việc tiến hành kiểm định chất lượng thịt thương phẩm tại Chi cục Thú y Hà Nội, HTX còn tổ chức mời các cơ sở thu mua thịt lợn sạch về tham quan thực tế trang trại của các hộ xã viên để người tiêu thụ yên tâm.
Trong thời gian tới, HTX mong muốn được các cấp, ngành TP, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi có mặt bằng sản xuất ổn định lâu dài; tăng cường nguồn vốn ưu đãi để nâng cấp chuồng trại và tăng số lượng, chất lượng đàn lợn. Đồng thời, đầu tư máy móc để ứng dụng công nghệ tự phối trộn thức ăn chăn nuôi dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo chất lượng thịt an toàn.
Có thể bạn quan tâm

Nền SXNN của chúng ta dù có hội nhập, nhưng vẫn đang trên nền tảng SX nhỏ, gắn với thương lái. "Dưa hấu Tân Thanh" là cái chết theo kiểu buôn chuyến!

Cuối tháng 3/2014, một cuộc họp về chính sách với ngư dân chuyên nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã được lãnh đạo Tổng cục thủy sản tổ chức nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của ngư dân về tất thảy những điều đang khiến họ bức xúc, trăn trở khi hành nghề.

Trước tình hình thiệt hại của các hộ dân nuôi cá lồng bè (ghi nhận thiệt hại nhiều nhất vào ngày 7-4 vừa qua) tại xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, Kiên Giang), Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NN&PTNT Kiên Giang) cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ con giống để bà con tái sản xuất. Hiện UBND xã Hòn Nghệ đang tiến hành thống kê số hộ bị thiệt hại để có số liệu chính xác.

Để nâng cao chất lượng và năng suất, từ năm 2009 thành phố đã phê duyệt chương trình NTTS giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020. Tuy đã có 12 dự án được phê duyệt nhưng đến thời điểm này đa số dự án vẫn "nằm trên giấy" dù chương trình đã đi gần hết chặng đường.

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Hội nghề cá Việt Nam đã chính thức phát động chương trình bình chọn Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam 2014.