Hiệu quả từ mô hình đa cây
Các mô hình đa cây đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống của các hộ dân tại địa phương.
Hàng năm, ông Nguyễn Văn Dậu cung cấp từ 10.000 - 15.000 giống bơ đầu dòng BLD/034
Được Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng dẫn đi thăm các mô hình sản xuất theo hình thức đa cây trên địa bàn thị trấn, như:
Mô hình chè, cà phê; hồ tiêu trồng xen cà phê và mô hình xen canh cây bơ với cà phê… đều phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tuy nhiên, điều mà chúng tôi tâm đắc nhất là 2 mô hình hồ tiêu và bơ trồng xen canh vào vườn cà phê.
Chúng tôi đến thăm vườn gia đình ông Nguyễn Văn Đảm (Tổ dân phố 18, thị trấn Lộc Thắng).
Hiện gia đình ông có 4,5ha cà phê và đã có 3ha được ông trồng xen hồ tiêu; trong đó, có 1ha đã cho thu hoạch ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đảm cho hay: “Là người nông dân, mình phải sản xuất theo hướng bền vững.
Phải xác định điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với những loại cây trồng nào và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại ra sao, để từ đó có sự lựa chọn thích hợp.
Ở vùng đất Lâm Đồng, các loại cây trồng có thế mạnh, như chè, cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn trái… Riêng tôi chọn hồ tiêu trồng xen cà phê để phát triển kinh tế của gia đình”.
Cũng theo ông Đảm, trước đây ông sống ở Quảng Ngãi và đã nhiều năm gắn bó nghề trồng tiêu.
Khi chuyển vào Bảo Lâm sinh sống, ông tiếp tục lấy hồ tiêu làm cây trồng thứ hai sau cà phê.
Để 2 loại cây trồng này phát triển tốt, ông trồng cây cà phê với mật độ từ 3,2 x 3,3 mét.
Ở giữa các hàng cà phê, ông trồng các trụ tiêu.
Đến nay, ông Đảm đã trồng được 3.000 trụ (tương đương với hơn 3.000 gốc tiêu); trong đó, đã có trên 500 trụ cho thu hoạch ổn định.
Bình quân năng suất đạt 4kg/trụ.
Năm 2014, gia đình ông Đảm thu được hơn 3 tấn tiêu, với giá bán trên thị trường 200 ngàn đồng/kg thì gia đình thu được 600 triệu đồng.
Từ cà phê và hồ tiêu, bình quân gia đình ông Nguyễn Văn Đảm có tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Dậu (Tổ dân phố 1, thị trấn Lộc Thắng) đã chọn mô hình chè, cà phê và xen canh cây bơ ghép đầu dòng BLD/034.
Đây là giống bơ có đặc điểm trái hạt nhỏ, cơm vàng, trái chín vỏ xanh và độ dài của trái từ 22 - 35cm… Năm 2009, giống bơ này đã được Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận là giống bơ đầu dòng năng suất cao.
Từ một cây bơ đầu dòng trong vườn nhà, đến nay, ông Dậu đã ghép 780 cây để trồng xen với trên 2ha cà phê.
Ông Nguyễn Văn Dậu chia sẻ: “Bơ là cây không chịu nước (ngập úng), nên khi trồng cần phải trồng nổi.
Nếu trồng xen cà phê, nên trồng 2 hàng cà phê xen 1 hàng bơ.
Cây cách cây từ 8 - 10 mét.
Nó vừa làm cây che bóng, chắn gió cho cây cà phê.
Từ ngày trồng đến 3 năm tuổi, bơ bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất đạt 1,2 tạ/cây; năm thứ 4 đạt từ 1,7 - 2 tạ/cây; đến năm thứ 5 đạt 3 tạ/cây.
Về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cũng đơn giản hơn so với các loại cây trồng khác”.
Trong số 780 cây mà ông Dậu trồng xen với cà phê, đến nay, đã có trên 70 cây (từ 3 - 4 năm tuổi) cho thu hoạch.
Chỉ tính từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, thu được trên 5 tấn, với giá bán từ 60.000 - 90.000 đồng/kg thì gia đình ông cũng thu về 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hàng năm bình quân gia đình ông Dậu còn thu trên 300 triệu đồng từ cây chè, cà phê.
Năm 2010, ông Dậu đã thành lập “Cơ sở Dậu Loan”, chuyên ghép, cung cấp giống bơ đầu dòng BLD/034 cho bà con nông dân.
Hàng năm, Cơ sở Dậu Loan cung cấp từ 10.000 - 15.000 cây bơ giống cho bà con nông dân.
Ông K’Kras, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng, cho hay: “Những năm qua, Hội Nông dân thị trấn đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình đa cây, đa con.
Với cây trồng chủ lực là chè, cà phê, thời gian qua, một số hộ nông dân đã trồng cây hồ tiêu, bơ xen canh vào vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con trên một đơn vị diện tích.
Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả và định hướng cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, xã Nghĩa Hương vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM tháng 4-2014. Trong năm nay, huyện phấn đấu thêm bốn xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Phú Cát cán đích. Các xã còn lại đều thuộc nhóm khá đạt từ 9 đến 13 tiêu chí (TC).

Theo ước tính ban đầu của ngành chức năng, đến hết ngày 20/8 trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.

Trên đường cùng chúng tôi đến trang trại của ông Đoàn Quang Ngọc ở khu Tân Lập (phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh), anh Lưu Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Phương Đông, giới thiệu: Ông Ngọc là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế trang trại, cũng là người tiên phong nuôi lợn rừng thương phẩm tập trung với quy mô lớn nhất, nhì của thành phố.

Khoảng 13 giờ ngày 22/8, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), đã xảy ra trận mưa đá với mật độ dày đặc, làm hư hại nhiều diện tích rau màu và dâu tây của người dân.

Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể - Bắc Kạn).