Hiệu Quả Từ Mô Hình Chuyển Đổi

Thời gian gần đây, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân.
Ông Đoàn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nên trong 2 năm trở lại đây, chính quyền xã đã vận động và tổ chức cho nhân dân cùng triển khai thực hiện.
Khi thực hiện, Đảng ủy, UBND xã đều tổ chức đối thoại với hộ dân để nghe ý kiến và nguyện vọng của họ. Lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn về công tác vận động vì hầu hết người dân chưa định hướng được trồng cây gì cho phù hợp.
Dần về sau, xã đã chọn được nhiều loại cây trồng phù hợp và có hiệu quả kinh tế, chủ yếu là cây chanh không hạt, cam sành, mít Thái siêu sớm,… Theo đó, tùy từng điều kiện mà mỗi hộ dân sẽ lựa chọn cây trồng thích hợp.
Theo UBND xã Long Thạnh, toàn xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.310ha, trong đó vườn tạp chiếm khá lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, sau khi được vận động từ hàng trăm héc-ta ban đầu, đến nay diện tích vườn tạp chỉ còn khoảng 84ha.
Gắn bó với nghề nông từ lâu, nhưng ông Trần Ngọc Hải, ở ấp Trường Khánh 1 cũng như các hộ dân nơi đây luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất canh tác, bởi nếu chỉ có trồng lúa, mía thì hiệu quả kinh tế quá thấp. Ông Hải cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng nhiều loại cây đều cho lợi nhuận thấp, nhưng lại phân vân chưa biết chuyển đổi cây gì cho phù hợp.
Vì vậy, được sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của lãnh đạo địa phương, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công vườn tạp để trồng xen canh 100 gốc chanh không hạt, 430 gốc mít Thái siêu sớm và 120 gốc dừa xiêm lùn. Đến nay các cây trồng đang phát triển rất tốt”. Theo ông Hải, thay vì trồng chuyên canh một loại cây thì ông chọn trồng xen canh theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, bởi theo kinh nghiệm nếu cây này mất giá thì còn cây khác.
Còn ông Lưu Ngọc Tựu, ở ấp Trường Khánh 1 cũng nhận thấy vùng đất rất thích hợp với cây có múi, nên vài năm trở lại đây gia đình cũng đã mạnh dạn cải tạo lại vườn của gia đình trồng các loại cây cam sành, cam mật.
Chỉ sau vài năm trồng, vụ thu hoạch đầu tiên ông thu lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Hiện vụ thứ hai này đang bắt đầu cho trái, dự kiến sản lượng trái đạt gấp 3 lần so với vụ trước, lợi nhuận thu về có thể đạt khoảng 50 triệu đồng.
Ông Tựu chia sẻ: “Dù đầu ra còn chưa ổn định do tùy thuộc vào thị trường, nhưng tính ra giá trị vẫn cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa”. Theo ông Tựu, do phần lớn diện tích đang cải tạo, cho trái chiếng nên thu nhập chưa cao, nhưng chắc chắn trong một năm nữa thì vườn cây của ông sẽ cho thu nhập ổn định. Hiện, ông đã chuyển đổi thêm 7.500m2 đất ruộng lên vườn cây ăn trái.
Ông Đoàn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Hiện tại, việc chuyển đổi từ trồng mía, lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, nhất là cây có múi đã trở thành phong trào trên toàn xã.
Đến nay, đã có đến 213ha đất đăng ký chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa màu. Mặc dù, đầu ra của các loại cây này chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa nhưng lợi thế của xã là nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A lại có các điểm trung chuyển trái cây của người dân lên các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh nên đầu ra của các nông sản này cũng tạm ổn.
Hơn nữa, dù giá cả còn phụ thuộc vào thị trường, nhưng tính ra thu nhập vẫn cao hơn so với trồng lúa, mía, vườn tạp. Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, cán bộ kỹ thuật xã sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật và quy trình canh tác.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nên chọn những cây giống có địa chỉ cụ thể, có uy tín chất lượng nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, để tránh việc chuyển đổi tràn lan, định hướng của xã chỉ vận động người dân chọn giống cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất cao cho những diện tích vườn tạp kém hiệu quả để phát triển một cách bền vững.
Với những hiệu quả mang lại bước đầu, có thể nói sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Vụ hè thu 2015, huyện Hương Sơn đặt kế hoạch gieo cấy 2.400 ha, nhưng do hạn hán, đỉnh điểm, kéo dài nên rút xuống còn 1.588 ha. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác chống hạn, Hương Sơn thực hiện vượt kế hoạch điều chỉnh, gieo cấy đạt trên 1.800 ha, đồng thời, gieo trỉa được 1.900 ha đậu, 500 ha ngô. Những kết quả đó đã phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Rớt thầu Philippines, gạo thơm đang xuất hiện thêm đối thủ khó chịu là Myanmar đang đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Không chỉ là chọn gạo thơm hay chăm bẳm vào gạo phẩm cấp thấp, chuyện xác lập những phân khúc xuất khẩu gạo của Việt Nam cần đặt trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải làm lại từ khâu giống đến việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Qua sản xuất, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT) là định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, mô hình trồng RAT tại Tứ Xã được triển khai từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thực sự có một hướng đi bền vững.

Vụ đông xuân 2014 - 2015, ngành nông nghiệp và một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Duy Xuyên liên kết với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa (tỉnh Nghệ An) sản xuất lúa giống hàng hóa trên các cánh đồng mẫu. Thế nhưng, gần 2 tháng trôi qua kể từ khi kết thúc mùa thu hoạch, nhà nông vẫn không thấy doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm như đã cam kết…

Đến thời điểm này mới có 12 trong tổng số 68 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp cận. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67?