Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Nhằm đưa ra mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn giúp các hộ dân giảm rủi ro trong chăn nuôi, năm 2013, từ nguồn vốn của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH) ở huyện Giá Rai. Qua thời gian thực hiện, mô hình này đã cho hiệu quả khá cao…
Có 17 hộ ở ấp 3 và ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH, với tổng số vịt giống được hỗ trợ là 3.500 con. Khi tham gia mô hình này, các hộ được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư 100% tiền con giống và hỗ trợ 30% thức ăn cho vịt nhỏ và 30% thức ăn cho vịt lớn.
Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.
Song song đó, cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, trực tiếp theo dõi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Sau gần 3 tháng nuôi, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã bán hết số vịt trong chương trình trình diễn. Nhìn chung, hiệu quả mô hình đạt khá cao, tỷ lệ hao hụt chiếm 7,4%, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2,6 - 3,2kg.
“Gia đình tôi nhận nuôi 200 con vịt, đến khi xuất chuồng chỉ hao hụt 8 con. Với giá bán 40.000 đồng/kg, mỗi con có trọng lượng 3kg, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được hơn 8 triệu đồng” - ông Trần Văn Do, một hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH ở xã Phong Thạnh Đông A cho biết. Hay như hộ anh Trương Thế Vũ (ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A) cũng tham gia mô hình chăn nuôi này.
Được đầu tư 200 con vịt giống, anh Vũ mua thêm 100 con vịt giống về nuôi. Tổng chi phí đầu tư từ chương trình hỗ trợ và gia đình bỏ ra là hơn 25 triệu đồng. Sau gần 3 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,9 - 3,2kg/con. Khi xuất bán gần 300 con với giá 42.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí anh Vũ lãi gần 15 triệu đồng.
Anh Vũ phấn khởi cho biết: “Tôi được cán bộ Trung tâm KN-KN hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng như nuôi úm vịt con ở giai đoạn từ 1 - 14 ngày tuổi, đến cách cho vịt ăn theo độ tuổi. Ngoài ra, còn tận dụng cơm, cá tạp, ốc bươu vàng, rau xanh… cho vịt ăn để giảm chi phí”.
Hầu hết, các hộ nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình hướng dẫn đều đạt hiệu quả. Chính vì thế, sau khi mô hình trình diễn hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn tiếp tục thả nuôi vịt theo hướng ATSH. Ông Vũ Thành Huế - Trưởng trạm KN-KN huyện Giá Rai, nhận xét: “Hầu hết các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH đều đạt hiệu quả khá cao.
Đây là một trong những mô hình tương đối thuận lợi về đầu ra. Hiện, Trung tâm KN-KN huyện khuyến cáo nông dân tiếp tục áp dụng mô hình này vào chăn nuôi và nhân rộng ở các địa phương trong huyện”.
Có thể bạn quan tâm

Đưa chúng tôi đi thăm khu trang trại, ông Ngọc vui vẻ cho biết, đối với ông, nuôi hươu, nai không phải là mới mẻ. Từ năm 2000, nhà ông đã nuôi hươu, nai rồi, nhưng lúc đó do điều kiện kinh tế eo hẹp nên chỉ nuôi được 4 con hươu, nai để tận dụng diện tích 2ha đất đồi của nhà. Qua quá trình nuôi, ông nhận thấy 2 loài động vật này phát triển tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây.

Cách ngã tư Ga (Q.12) khoảng 2 km, đi qua những con đường ngoằn ngoèo nhưng khi hỏi thăm thông tin về trại nuôi chó Phú Quốc của anh Tưởng Văn Quý thì rất nhiều người biết. Không những nổi tiếng ở địa phương mà tiếng lành đồn xa đến nhiều tỉnh thành trong cả nước với nghề nuôi chó Phú Quốc của chàng trai trẻ có biệt danh “Quý khuyển”.

Phương pháp sạ hàng lúa bằng máy kéo tay là một tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp đang được nhân rộng ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Hiện toàn huyện có 120.000 máy sạ hàng, đáp ứng nhu cầu xuống giống cho hơn 98% diện tích lúa Hè thu.

Sau vụ thu hoạch vải thiều, thời tiết trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thường có nắng mưa xen kẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều. Đặc biệt là ở những vườn vải thấp, dễ xảy ra tình trạng ngập úng nhiều ngày. Nếu người dân không làm rãnh thoát nước tốt thì cây vải thiều sẽ chết rút.

Hơn 20 hộ dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận với hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức kỷ luật tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…