Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Nhằm đưa ra mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn giúp các hộ dân giảm rủi ro trong chăn nuôi, năm 2013, từ nguồn vốn của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH) ở huyện Giá Rai. Qua thời gian thực hiện, mô hình này đã cho hiệu quả khá cao…
Có 17 hộ ở ấp 3 và ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH, với tổng số vịt giống được hỗ trợ là 3.500 con. Khi tham gia mô hình này, các hộ được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư 100% tiền con giống và hỗ trợ 30% thức ăn cho vịt nhỏ và 30% thức ăn cho vịt lớn.
Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.
Song song đó, cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, trực tiếp theo dõi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Sau gần 3 tháng nuôi, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã bán hết số vịt trong chương trình trình diễn. Nhìn chung, hiệu quả mô hình đạt khá cao, tỷ lệ hao hụt chiếm 7,4%, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2,6 - 3,2kg.
“Gia đình tôi nhận nuôi 200 con vịt, đến khi xuất chuồng chỉ hao hụt 8 con. Với giá bán 40.000 đồng/kg, mỗi con có trọng lượng 3kg, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được hơn 8 triệu đồng” - ông Trần Văn Do, một hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH ở xã Phong Thạnh Đông A cho biết. Hay như hộ anh Trương Thế Vũ (ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A) cũng tham gia mô hình chăn nuôi này.
Được đầu tư 200 con vịt giống, anh Vũ mua thêm 100 con vịt giống về nuôi. Tổng chi phí đầu tư từ chương trình hỗ trợ và gia đình bỏ ra là hơn 25 triệu đồng. Sau gần 3 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,9 - 3,2kg/con. Khi xuất bán gần 300 con với giá 42.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí anh Vũ lãi gần 15 triệu đồng.
Anh Vũ phấn khởi cho biết: “Tôi được cán bộ Trung tâm KN-KN hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng như nuôi úm vịt con ở giai đoạn từ 1 - 14 ngày tuổi, đến cách cho vịt ăn theo độ tuổi. Ngoài ra, còn tận dụng cơm, cá tạp, ốc bươu vàng, rau xanh… cho vịt ăn để giảm chi phí”.
Hầu hết, các hộ nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình hướng dẫn đều đạt hiệu quả. Chính vì thế, sau khi mô hình trình diễn hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn tiếp tục thả nuôi vịt theo hướng ATSH. Ông Vũ Thành Huế - Trưởng trạm KN-KN huyện Giá Rai, nhận xét: “Hầu hết các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH đều đạt hiệu quả khá cao.
Đây là một trong những mô hình tương đối thuận lợi về đầu ra. Hiện, Trung tâm KN-KN huyện khuyến cáo nông dân tiếp tục áp dụng mô hình này vào chăn nuôi và nhân rộng ở các địa phương trong huyện”.
Có thể bạn quan tâm

Cùng một diện tích đất, chị Hòa Thị Dinh, thôn An Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đã canh tác cùng lúc 3 loại cây trồng. Nhờ cách làm này thu nhập của chị tăng lên gấp 3 lần so với các vườn chỉ trồng thuần cà phê.

Anh Trần Văn Ngỗ, ngụ ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) là 1 nông dân năng động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Ngỗ còn giúp nhiều nông dân khác thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Khi nhắc đến chàng trai Cháng Thìn Lù, hội viên, nông dân chi hội thôn Thanh Long, Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) liền trầm trồ rằng, “nó” vừa bảnh trai, vừa giỏi làm kinh tế, từ lời nói đến việc làm đều dễ thuyết phục bà con.

Về Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) hỏi thăm anh Đồng Văn Chiêm (SN 1983) dân tộc Tày thì bà con ai cũng biết. Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng anh Chiêm đang là chủ sở hữu đàn trâu, bò lên đến gần 50 con, trị giá tiền tỷ.

Tháng 9, đặt chân đến khối Trung Nghĩa và Dốc Cao, thuộc phường Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An, hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng thán phục, bởi vụ bưởi hồng năm nay nhà nào cũng "hái" được hàng trăm triệu đồng.