Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Nhằm đưa ra mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn giúp các hộ dân giảm rủi ro trong chăn nuôi, năm 2013, từ nguồn vốn của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH) ở huyện Giá Rai. Qua thời gian thực hiện, mô hình này đã cho hiệu quả khá cao…
Có 17 hộ ở ấp 3 và ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH, với tổng số vịt giống được hỗ trợ là 3.500 con. Khi tham gia mô hình này, các hộ được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư 100% tiền con giống và hỗ trợ 30% thức ăn cho vịt nhỏ và 30% thức ăn cho vịt lớn.
Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.
Song song đó, cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, trực tiếp theo dõi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Sau gần 3 tháng nuôi, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã bán hết số vịt trong chương trình trình diễn. Nhìn chung, hiệu quả mô hình đạt khá cao, tỷ lệ hao hụt chiếm 7,4%, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2,6 - 3,2kg.
“Gia đình tôi nhận nuôi 200 con vịt, đến khi xuất chuồng chỉ hao hụt 8 con. Với giá bán 40.000 đồng/kg, mỗi con có trọng lượng 3kg, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được hơn 8 triệu đồng” - ông Trần Văn Do, một hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH ở xã Phong Thạnh Đông A cho biết. Hay như hộ anh Trương Thế Vũ (ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A) cũng tham gia mô hình chăn nuôi này.
Được đầu tư 200 con vịt giống, anh Vũ mua thêm 100 con vịt giống về nuôi. Tổng chi phí đầu tư từ chương trình hỗ trợ và gia đình bỏ ra là hơn 25 triệu đồng. Sau gần 3 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,9 - 3,2kg/con. Khi xuất bán gần 300 con với giá 42.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí anh Vũ lãi gần 15 triệu đồng.
Anh Vũ phấn khởi cho biết: “Tôi được cán bộ Trung tâm KN-KN hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng như nuôi úm vịt con ở giai đoạn từ 1 - 14 ngày tuổi, đến cách cho vịt ăn theo độ tuổi. Ngoài ra, còn tận dụng cơm, cá tạp, ốc bươu vàng, rau xanh… cho vịt ăn để giảm chi phí”.
Hầu hết, các hộ nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình hướng dẫn đều đạt hiệu quả. Chính vì thế, sau khi mô hình trình diễn hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn tiếp tục thả nuôi vịt theo hướng ATSH. Ông Vũ Thành Huế - Trưởng trạm KN-KN huyện Giá Rai, nhận xét: “Hầu hết các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH đều đạt hiệu quả khá cao.
Đây là một trong những mô hình tương đối thuận lợi về đầu ra. Hiện, Trung tâm KN-KN huyện khuyến cáo nông dân tiếp tục áp dụng mô hình này vào chăn nuôi và nhân rộng ở các địa phương trong huyện”.
Có thể bạn quan tâm

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này hàng năm, tình trạng ùn tắc hàng ngàn xe chở nông sản chủ yếu là dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại tiếp tục tái diễn. Mặc dù lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện để thông quan song vẫn không xuể.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh cho biết: hiện thanh long ruột đỏ thương lái đến thu mua tại vườn giá 47.000 đ/kg nhưng HTX không đủ nguồn cung cấp.

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở các xã cù lao của huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã áp dụng phương pháp đậy mủ xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ để dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Đặc biệt năm nay, nhờ thị trường hút hàng nên chôm chôm nghịch vụ càng trúng giá và cho lợi nhuận cao.

Theo ghi nhận ở ĐBSCL, hiện giá lúa nông dân bán vẫn dao động ở mức khá thấp, khoảng 4.300 đồng/kg lúa thường, 4.800 đồng/kg lúa dài, chất lượng cao.

Theo quy trình kỹ thuật cho loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thì ao lắng nước là một phần diện tích bắt buộc phải có trước khi thực hiện mô hình này. Song, hiện nay ao lắng không được người nuôi quan tâm, thiết kế. Đây là điều mà các ngành chức năng lo lắng cho sự thành công của vụ nuôi, nhất là trong mùa khô.