Hiệu Quả Từ Dự Án Trồng Rừng WB3

Từ năm 2005 đến nay, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã triển khai khá tốt Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp (DA WB3), phủ xanh rừng trồng trên đất trống, đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Theo báo cáo của Ban quản lý DA WB3 huyện Tuy Phước, trong 9 năm (2005 - 2014), toàn huyện có 557 hộ trồng được hơn 1.129 ha rừng nguyên liệu ở 2 xã Phước An và Phước Thành. Người trồng rừng được DA hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật xử lý thực bì, đào hố, bón phân, chọn cây giống ở những đơn vị có uy tín chất lượng, đủ điều kiện rõ ràng về mặt pháp lý để mua về trồng rừng; thành lập các tổ nhóm nông dân tự quản bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng…
Nhờ vậy, cây giống các đơn vị cung ứng đều bảo đảm chất lượng; việc chăm sóc rừng trồng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh, phòng trừ sâu bệnh theo chu kỳ phát triển của từng giống cây, nên tỉ lệ cây sống đạt trên 95%.
Để tạo thuận lợi cho các hộ trồng rừng WB3, đến nay, UBND huyện Tuy Phước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 524/575 hộ với diện tích 1.010 ha, số hộ còn lại đang hoàn tất thủ tục. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, phục vụ kịp thời việc đầu tư chăm sóc rừng trồng...
Sau 9 năm thực hiện trồng rừng theo DA WB3, diện tích đất lâm nghiệp, đất trống, đồi núi trọc, diện tích đất rừng kém hiệu quả của huyện dần được phủ xanh cây bạch đàn và keo lai. Đến nay, toàn huyện có 328 ha diện tích rừng trồng năm đầu dự án (2005) đã cho thu hoạch, kết quả rất khả quan. Trong đó xã Phước An đã khai thác 168 ha, xã Phước Thành khai thác 160 ha.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Trong quá trình trồng rừng theo DA WB3, bà con đã tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, nên rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện sản lượng khai thác bình quân từ 85 đến 90 tấn gỗ nguyên liệu/ha, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng rừng còn lãi từ 60-70 triệu đồng/ha, cao hơn 30% so với diện tích rừng trồng ngoài dự án. Bây giờ, nói đến trồng rừng là nông dân hưởng ứng rất nhiệt tình, ngay cả diện tích trồng cây điều kém hiệu quả bây giờ đa phần cũng được bà con phá bỏ chuyển sang trồng keo lai.
Ông Bạch Hồng Phước, một hộ trồng rừng ở thôn Quy Hội, xã Phước An, vừa thu hoạch 10 ha rừng trồng, bộc bạch: “Gia đình tôi tham gia trồng rừng WB3 cách đây gần 9 năm. Hiện tôi có gần 50 ha rừng nguyên liệu ở xã Phước An. Trong 2 năm gần đây tôi bán một số diện tích rừng keo lai với mức giá bình quân 1,2 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng hơn 50 triệu đồng/ha”.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện DA WB3 ở xã Phước Thành và Phước An - huyện Tuy Phước đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Các vùng đất hoang hóa, đất trống, đồi núi trọc đã được đưa vào trồng rừng, vừa tăng độ che phủ của rừng, vừa đem lại thu nhập khá, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2014 này, huyện Tuy Phước tiếp tục triển khai trồng mới 35 ha rừng WB3 với 26 hộ nông dân ở xã Phước An tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình trạng nghêu chết hàng loạt tại một số địa phương ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Hải dương học Nha Trang và Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương điều tra, nguyên nhân được xác định là do nắng nóng, môi trường khắc nghiệt cộng với việc người dân ham lợi nhuận thả nuôi mật độ cao.

Trong khi một số vùng trồng bắp lấy hạt bị thất mùa do ảnh hưởng thời tiết thì mô hình trồng bắp lấy thân để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mở ra hướng làm ăn mới…

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.

Điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện có khoảng 38% diện tích cà phê tái canh của hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) đang bị vàng lá, khô cành… do trồng trên đất không đủ thời gian luân canh, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để các tuyến trùng phát triển nhanh trong đất, gây hại bộ rễ cây.

Trong 2 tháng qua, nhiều nhà vườn trồng cam sành và bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở ĐBSCL phải mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm. Dù đã có kẻ bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhưng nạn trộm cắp vẫn chưa có chiều hướng giảm vì giá 2 loại nông sản này đang sốt