Hiệu Quả Từ Chương Trình Quản Lý Dịch Hại Tổng Hợp Trên Cây Trồng

Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai đã góp phần tích cực trong việc giúp nông dân bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa tại địa phương.
Trong những năm gần đây, dịch hại trên các loại cây trồng phát triển mạnh và diễn ra khá phức tạp do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất như chuyển đổi cơ cấu giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đặc biệt là diễn biến bất thường của thời tiết do hiện tượng biến đổi khí hậu…
Trước thực trạng này, từ năm 2004 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình IPM trên một số loại cây trồng tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Để chương trình nhanh chóng “phủ sóng” đến các địa phương, những năm đầu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã “khăn gói” về tận các thôn, bon thực hiện “ba cùng” với bà con nông dân.
Với hình thức chuyển giao từ gần gũi nhất là cầm tay chỉ việc đến xây dựng giáo trình như lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài giảng, hướng dẫn cụ thể ngay trên vườn… đã giúp bà con nắm bắt hiệu quả nội dung bài học.
Bên cạnh đó, các lớp học còn thực hiện những thí nghiệm nhỏ đơn giản, dễ làm để người nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, thông qua hoạt động này, người dân đã thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc, phân bón đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô), một người tiếp cận chương trình IPM từ những năm đầu cho biết: “Tham gia chương trình IPM, tôi đã được trang bị nhiều kiến thức về quản lý dịch hại cho cây trồng một cách có hệ thống để áp dụng vào sản xuất đưa lại hiệu quả kinh tế cao”.
Theo quy định thì kết thúc khóa đào tạo, bà con nông dân cùng tham gia làm các bản tổng kết, báo cáo sinh động, phân tích trực quan tại đồng ruộng và từ đó làm thay đổi nhận thức, giúp cho người nông dân thấy được những nhược điểm trong suy nghĩ và tập quán canh tác cũ. Từ đó, họ tự nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm theo phương pháp mới được tiếp cận.
Về căn bản, chương trình IPM là phương pháp đào tạo theo hướng mở, giúp nông dân từ chỗ thụ động làm theo cán bộ kỹ thuật một cách máy móc trở thành chủ động thực hiện và lôi cuốn người khác cùng làm. Đây là mục tiêu mà IPM muốn đạt đến nhằm giúp người nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình.
Thông qua chương trình tập huấn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã giúp cho nội dung các buổi tập huấn thêm sinh động, cuốn hút người dân tham gia.
Qua thực tế triển khai trên đồng ruộng, chương trình IPM đã giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân hóa học, lượng giống gieo sạ đối với cây lúa, từ đó hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trong nông sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và người nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 2004-2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 87 lớp tập huấn về IPM. Trong đó, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cà phê được 39 lớp, cây tiêu: 27 lớp, rau: 9 lớp, lúa: 7 lớp, đậu đỗ: 3 lớp, điều: 2 lớp thu hút 2.610 lượt người tham dự, trong đó, học viên là người đồng bào dân tộc tại chỗ là 783 lượt người.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 20.610 ha được bà con nông dân áp dụng quy trình IPM vào thực tế sản xuất. Trong đó, diện tích lúa: 420 ha, cà phê: 11.700 ha, tiêu: 6.480 ha, rau: 540 ha, cây điều: 1.200 ha, đậu đỗ: 270 ha...
Có thể nói, chương trình IPM được tổ chức tập huấn và ứng dụng trong sản xuất thời gian qua đã có nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế. Cụ thể, cứ bình quân 1 ha lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả thâm canh từ 750.000 – 2.700.000 đồng, 1 ha rau bà con có lãi thêm từ 500.000 – 2.000.000 đồng/sào, đối với cà phê người nông dân có khoản thu nhập tăng thêm 2 – 3 triệu đồng/ha do tiết kiệm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, tính về tổng thể hàng năm, chương trình IPM đã đóng góp vào tỷ trọng của ngành Nông nghiệp của tỉnh từ 20 – 30 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình IPM trên cây trồng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, giảm tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi)… tận thu rơm rạ để bán với giá cao góp thêm một khoản thu không nhỏ cho gia đình. Lúa được mùa, rơm trúng giá, nông dân mừng ra mặt. Trung bình 1 tạ rơm, nông dân bán từ 500- 600 ngàn đồng.

Ông Nguyễn Văn Long ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên là một trong những gương sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn phường nhiều năm liền. Ông được nhiều người biết đến nhờ đi đầu trong thực hiện mô hình nuôi cá lóc, mỗi năm thu về cả tỷ đồng.

Thời gian gần đây, thị trường nấm trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần như "án binh bất động", hệ quả đến từ những thông tin nhạy cảm được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội thi “Bình tuyển cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt năm 2014”, do Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao cây công nghiệp và cây ăn quả (NCCG CCN CAQ) Lâm Đồng vừa tổ chức, đã chọn được cây bơ “ưu tú” nhất trong tổng số 100 cây bơ ở các vùng trọng điểm trồng bơ trong toàn tỉnh gửi về dự thi.

Khoảng 3 năm trở lại đây, khi chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công được thực hiện, gia đình ông Phạm Văn Việt cũng như bao gia đình khác vùng đất Gia An (Tánh Linh) đã xóa bỏ lò gạch thủ công.