Hiệu quả trồng mồng tơi lấy hạt

Là người đầu tiên đem giống mồng tơi trồng lấy hạt về địa phương, ông Nguyễn Văn Mỹ (ấp Tân Hòa B2, xã Long An TX. Tân Châu) chia sẻ: “Trong chuyến đi thăm người bà con ở tỉnh Đồng Tháp, thấy mô hình trồng mồng tơi lấy hạt bên đó đem lại hiệu quả kinh tế ổn định nên tôi quyết định chuyển 2 công đất màu của gia đình sang trồng mồng tơi lấy hạt”.
Theo đó, ông Mỹ xuống giống 2 công mồng tơi, mỗi công tốn khoảng 600 - 700gr hạt giống. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, mồng tơi bắt đầu cho đợt thu hoạch đầu tiên. Lần đầu, ông thu hoạch được vài chục kg, rồi lên vài trăm kg, có khi hơn một tấn hạt mồng tơi tươi mỗi đợt. Khoảng 20 ngày sau đợt thu hoạch đầu tiên, sẽ thu hoạch tiếp đợt 2 và thời gian thu hoạch kéo dài gần 14 tháng sau đó. Sau mỗi đợt thu hoạch trái xong, ông Mỹ bón phân, dọn bớt dây bò ở dưới mặt đất, đưa lên giàn để những đợt sau cho trái nhiều hơn.
“Lúc này, đại lý ở Đồng Tháp liên kết cung cấp hạt giống và bao tiêu sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg, sau đó hút hàng giá cứ tăng cao, đỉnh điểm có đợt giá lên tới 125.000 đồng/kg”- ông Mỹ thông tin.
Thông thường, nếu trời nắng tốt, mồng tơi tươi chỉ cần phơi khoảng 3 ngày sẽ khô và đem giao cho địa lý. Khoảng 6,5 - 10kg mồng tơi tươi sẽ được 1kg khô. So với nhiều loại rau màu trồng trước đây thì trồng tơi lấy hạt đem lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Chỉ cần xuống giống một lần, thời gian thu hoạch kéo dài cả năm, chứ không cần gieo xạ nhiều lần giống như những loại khác.
“Trồng mồng tơi sợ nhất là bị bọ hút gây hại, vì nếu không có cách phòng ngừa từ trước, bọ hút sẽ làm hư hạt mồng tơi, không còn năng suất”- ông Mỹ lưu ý. Hiện nay, ông Mỹ còn nhận thu gom mồng tơi ở các hộ tại địa phương đem giao cho các thương lái ở Đồng tháp. “Tuy không có hợp đồng chắc chắn nhưng thương lái vẫn bỏ cọc khoảng 5 - 6 triệu đồng/hộ trồng mồng tơi để tạo niềm tin”- ông Mỹ cho biết.
Cùng ở ấp Tân Hậu B2, chú Bùi Thiết Hùng nhận thấy mô hình trồng mồng tơi lấy hạt của chú Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định xen cây mồng tơi vào 3 công đất trồng quýt đường, nhằm lấy ngắn nuôi dài. Theo chú Hùng, nếu muốn cho trái nhiều thì khâu làm đất cực kỳ quan trọng, đất phải tơi xốp, có rãnh thoát nước và cách làm hàng.
Khoảng cách giữa 2 hàng là 1,2m, 2 gốc mồng tơi cách nhau khoảng 50 - 60 cm thì cây sẽ cho trái nhiều hơn. Nhờ học hỏi được kinh nghiệm, đợt trái đầu thu hoạch hiệu quả, chú Hùng nhanh chóng mở rộng tiếp 2 công đất chuyên trồng mồng tơi.
“Trước đó, tôi có trồng ớt nhưng không có năng suất, giá cả lại bấp bênh, không đem lại hiệu quả kinh tế như trồng mồng tơi lấy hạt. Đợt đầu tiên tôi hái được 1,2 tấn trái tươi, được cả trăm kg hạt mồng tơi khô. Với giá 60.000 đồng/ký như hiện nay, sau khi trừ chi phí, tôi lời gần 4 triệu đồng/đợt” - chú Hùng phấn khởi.
Theo Hội Nông dân xã Long An, người dân trồng mồng tơi lấy hạt ở địa phương còn nhỏ lẻ, chưa có hợp đồng liên kết với các đại lý thu mua nên còn phụ thuộc vào giá cả lên xuống của thị trường. Đặc biệt, mô hình đang có xu hướng tăng nhanh diện tích, nếu không có hợp đồng liên kết, kế hoạch sản xuất phù hợp thì khó tránh khỏi điệp khúc “Trúng mùa, mất giá”.
Có thể bạn quan tâm

Trong suốt thời gian sinh trưởng, những ruộng lúa ST20 ở hai huyện Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) luôn xanh tốt, ít sâu bệnh hại khiến nông dân thêm tự tin vào một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, đến giai đoạn vào chắc, tại một số diện tích xuống giống sớm, nông dân mới phát hiện ra ruộng mình bị thất thu do tình trạng lép hạt.

Năm 2013, giá bán thanh long liên tục tăng cao, từ mức 10.000 đồng/kg trở lên. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của các nhà vườn đã được nâng lên đáng kể. Cũng chính từ lý do này, người dân phát triển diện tích cây thanh long một cách tự phát, tràn lan, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về loại cây trồng này.

Theo Bộ NNPTNT, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã xuất hiện tình trạng thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn.

Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ bà con phát triển sản xuất...

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng rà soát lại các hợp đồng đã ký kết để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGAP trên địa bàn thành phố.