Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Nuôi Lươn Giống

Hiệu Quả Nuôi Lươn Giống
Ngày đăng: 12/01/2015

Khởi nghiệp từ nuôi cá lóc, cá rô đến nuôi ếch, nuôi rắn và anh Đặng Ngọc Sang (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) còn thành công với mô hình nuôi lươn giống. Nhờ chất lượng lươn giống tốt và sự hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân nên thương hiệu “Lươn giống Hai Đo” đã và đang lan xa trong và ngoài tỉnh.

Chuyển sang nuôi lươn giống từ năm 2011, ban đầu chỉ với 10 bồn nuôi (diện tích trên 200m2), đến nay, anh Đặng Ngọc Sang đã nhân lên 20 bồn (hơn 400m2). Anh Sang cho biết, lươn chỉ sinh sản mỗi năm một lần và mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5. Vì thế, để tránh bị “đụng hàng” và bán có giá, người sản xuất lươn giống phải biết điều chỉnh thời điểm lệch mùa sinh sản.
Để làm được điều này, người nuôi lươn bố mẹ phải nắm rõ kỹ thuật, từ việc thay nước, cho ăn, đến kích thích… để lươn có thể sinh sản trái vụ. Đặc biệt, nên cho lươn sinh sản rải đều các tháng để có đủ nguồn lươn giống cung cấp cho thị trường, không để khan hiếm giống. Muốn có lươn giống tốt, khâu chọn lựa lươn giống bố mẹ rất quan trọng.
“Lươn bố mẹ phải được tuyển chọn từ những con lươn tốt nhất, có trọng lượng từ 30gram trở lên, nhưng tốt nhất là loại từ 70 - 80gram, vì những loại này sẽ sinh sản nhiều trứng, từ 400 - 700 trứng/lần. Bên cạnh đó, người chăm sóc cũng phải nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc lươn bố mẹ, như: Bao nhiêu ngày sẽ cho ăn, thay nước, tạt thuốc… để lươn có thể tạo được trứng nhiều và có chất lượng nhất”- anh Sang chia sẻ.
Lươn bố mẹ được anh Sang nuôi trong bồn không bùn, khi đến tuổi sinh sản, anh Sang sẽ thả vào bồn có bùn để tạo điều kiện tốt nhất để lươn sinh sản. Anh Sang chia sẻ: “Hiện nay, xu hướng bà con trong và ngoài tỉnh đã chuyển sang mô hình nuôi lươn không bùn nên mình phải cho lươn thích nghi từ nhỏ, để khi lươn đến tay bà con sẽ không bị sốc môi trường, gây hao hụt”.
Hiện nay, loại lươn sinh sản khoảng 2 tấc bán 5.000 đồng/con và bán rất chạy vì lươn khỏe, ít hao hụt. Mỗi năm, anh Sang cho xuất từ 100.000 - 200.000 con lươn giống sinh sản đủ loại từ 5 phân đến 2 tấc/con…
Đáp ứng nhu cầu của người dân, từ năm 2013 đến nay, bên cạnh việc bán lươn giống sinh sản, anh Sang còn thu mua lươn của những bà con địa phương đi đặt lờ, dớn… đem về thuần khoảng 1 tháng, sau đó bán lại cho bà con có nhu cầu. Đối với loại 30 - 40 con/kg, có giá bán khoảng 320.000 đồng/kg.
“Khi bán giống cho bà con, tôi đều đem giao tận nơi và ở lại từ 5 - 7 ngày để hướng dẫn các kỹ thuật nuôi lươn sao cho đỡ hao hụt, mau phát triển, từ cách cho ăn, thay nước, ánh sáng cần thiết, phòng trị bệnh…” - anh Sang cho hay.
Lươn giống thuần có nhiều ưu thế nhưng vẫn bị phụ thuộc vào thời tiết. Vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, gió nhiều, nguồn nước thay đổi nên tỉ lệ hao hụt hơn 70%. Do đó, trong khoảng thời gian này, bán chỉ phá huề, không lợi nhuận. Nhưng từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau là thời điểm thuận lợi, tỉ lệ đạt hơn 70% nên lợi nhuận khá cao.
Thị trường cung cấp lươn giống của anh Sang chủ yếu là các địa phương trong tỉnh (TP. Châu Đốc, An Phú…), một số tỉnh lân cận ở đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền ngoài, như: Vũng Tàu, Nha Trang… cũng tìm đến thương hiệu “Lươn giống Hai Đo” để mua.
Hiện nay, số lượng khách hàng tìm đặt lươn giống thuần rất nhiều. Năm 2014, anh Sang đã xuất bán khoảng 7 tấn lươn giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Lươn giống sinh sản có ưu điểm là ăn nhiều, mau lớn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, người nuôi phải nắm rõ cách cho ăn, tạt thuốc, thay nước thì mới tránh được hao hụt. Còn với lươn giống thuần vì được thuần dưỡng nên tỷ lệ hao hụt thấp, nhưng so với lươn giống sinh sản thì chậm lớn hơn.
Lươn giống thuần đang phát triển và chiếm ưu thế, nhưng anh Sang vẫn duy trì sản xuất lươn giống sinh sản. Anh Sang phân tích: “Lươn cũng như nhiều loại thủy sản khác sẽ khan hiếm trong môi trường tự nhiên, khi đó, lươn giống nhân tạo sẽ chiếm ưu thế”. Dự kiến, năm 2015, ngoài sản xuất lươn giống thuần, anh Sang sẽ sản xuất khoảng 10 bồn lươn giống sinh sản để cung cấp cho thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Lúa Hè Thu Tiêu Thụ Chậm, Giá Giảm Lúa Hè Thu Tiêu Thụ Chậm, Giá Giảm

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 5, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 2,2 triệu tấn gạo, đạt gần 1 tỷ USD.

10/06/2014
Mủ Cao Su Rớt Giá Thi Nhau Phá Bỏ Vườn Cây Mủ Cao Su Rớt Giá Thi Nhau Phá Bỏ Vườn Cây

Những năm trước, khi mủ cao su có giá thì nhiều người đổ xô đi trồng cao su, bất kể diện tích vượt quá quy hoạch chung của tỉnh. Hiện nay, khi “vàng trắng” hết thời, rớt giá thì lại xảy ra cảnh không ít chủ vườn cao su rong cành, tỉa nhánh, thậm chí là chặt bỏ toàn bộ vườn cây một thời “làm nên cơ nghiệp” của mình. Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh Tây Ninh.

10/06/2014
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) Chủ Động Các Biện Pháp Hạn Chế Hiện Tượng Rụng Trái Non Trên Cây Quýt Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) Chủ Động Các Biện Pháp Hạn Chế Hiện Tượng Rụng Trái Non Trên Cây Quýt

Ông Nguyễn Bé Năm - Trưởng Trạm BVTV huyện Lai Vung cho biết: “Việc rụng trái non trên cây quýt do cây bị thiếu dinh dưỡng, thời tiết thay đổi bất thường và sâu bệnh”. Khi cây thiếu dinh dưỡng thì sẽ không đủ sức nuôi trái nên phải rụng bớt để dồn sức nuôi một số trái còn lại.

10/06/2014
Giá 1 Kg Dâu = 1 Ly Trà Đá Giá 1 Kg Dâu = 1 Ly Trà Đá

Ông Lư Khải Hoàng, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: Dâu bòn bon năm nay không tiêu thụ được, vì người tiêu dùng trong nước không chuộng dâu này như dâu xanh, không xuất khẩu được. Hơn 20 gốc dâu bòn bon của ông đạt năng suất khoảng 2 tấn trái, nhưng từ đầu vụ đến nay không bán được trái nào. Đến nay, dâu đã rụng hơn một nửa.

10/06/2014
Thiếu Liên Kết Trong Tiêu Thụ Trái Cây Đồng Bằng Sông Cửu Long Thiếu Liên Kết Trong Tiêu Thụ Trái Cây Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cũng như thông lệ hàng năm, vào thời điểm này mặt hàng trái cây tại ĐBSCL lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, đầu ra bấp bênh.

10/06/2014