Hiệu Quả Mô Hình Vỗ Béo Bò Thịt Tại Tỉnh Vĩnh Phúc

Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Vĩnh Phúc triển khai với mục tiêu áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đổi mới quy trình công nghệ nhằm chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh, tận dụng, phân tán sang chăn nuôi thâm canh tạo hàng hoá, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
Năm 2014, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 160 con bò, 130 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình như: Cách tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, cho ăn thức ăn hỗn hợp kết hợp thức ăn thô xanh, cách trồng và ủ chua thức ăn xanh… nên đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng trọng bình quân 738,5 g/con/ngày, bình quân mỗi bò vỗ béo cho lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/tháng. Như vậy nuôi bò vỗ béo cho hiệu kinh tế cao hơn so với nuôi thông thường > 15%.
Đạt được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng của bà con nông dân, chương trình dự án đã hỗ trợ thuốc tẩy ký sinh trùng, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và đặc biệt là cán bộ chỉ đạo kỹ thuật tận tình hướng dẫn trong suốt 4 tháng triển khai dự án.
Đến thăm hộ anh Trần Văn Thạch ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, chúng tôi được tận mắt nhìn đàn bò đang trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán.
Dãy chuồng được thiết kế xây dựng đơn giản nhưng khá sạch sẽ, thoáng mát và có bể biogas để xử lý chất thải. Trước đây, anh chỉ nuôi 1 - 2 con chăn thả lúc nông nhàn, nhưng từ khi tham gia dự án, được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật nên anh quyết định đầu tư mở rộng quy mô. Hiện nay, anh duy trì nuôi từ 6 - 8 con bò.
Anh thường mua bò lai F1 hoặc F2 để nuôi vỗ béo. Tại thời điểm này giá mua một con bò là 23 triệu đồng, sau 3 tháng nuôi vỗ béo sẽ bán được trung bình 30 triệu đồng/con, cá biệt có con bán được 35 - 40 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi 3 triệu đồng/con. Anh Thạch cho rằng, vốn đầu tư nuôi bò lớn nhưng ít rủi ro, lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác.
Nuôi nhốt như hiện nay, chỉ cần một người vẫn chăm sóc được khoảng 20 con bò mà vẫn dư thời gian để làm việc khác. Kỹ thuật nuôi đơn giản và phù hợp với hầu hết các hộ chăn nuôi. Ngoài cám, các phụ phẩm sẵn có như ngô, đỗ, cỏ, rơm được tận dụng làm thức ăn cho bò nên vừa giảm chi phí lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là một ngành chịu nhiều yếu tố rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, thị trường...), nhưng những kết quả đạt được của Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ” tại Vĩnh Phúc đã khẳng định chăn nuôi là nghề đem lại lợi nhuận cho người dân, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn nếu biết tổ chức sản xuất tốt, nắm bắt được tâm lý của người chăn nuôi và nhu cầu thị trường.
Hi vọng, từ kết quả của Dự án, ngành chăn nuôi nói chung và của những địa phương được triển khai nói riêng sẽ đạt được nhiều thành công mới trong thời gian tới.
Nguồn bài viết: http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/hieu-qua-mo-hinh-vo-beo-bo-thit-tai-tinh-vinh-phuc_t114c2n11080
Có thể bạn quan tâm

Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành (An Giang) phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện 7 nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ cao (quy mô từ 24-30 m2/nhà). Trong đó, thị trấn An Châu 3 nhà và xã An Hòa 4 nhà, trồng các loại: Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo...

Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm.

Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.

Giá khóm tại Tân Phước (Tiền Giang) hiện đang rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng. Qua khảo sát tại các điểm thu mua, giá khóm hiện chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng lượng mua vào rất ít.