Hiệu Quả Mô Hình Ruộng Lúa - Bờ Dưa

Nếu như ở nhiều nơi để thu hút thiên địch, nông dân thường áp dụng trồng hoa trên bờ mẫu, thì một số nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tận dụng đất bờ bao để trồng dưa hấu vừa có lợi về môi trường, vừa cho hiệu quả về kinh tế.
Ông Trần Văn Huynh là thành viên đầu tiên của tổ hợp tác sản xuất ở ấp 7, xã Vị Thắng trồng dưa hấu quanh bờ mẫu ruộng lúa và hiện tại đang trồng vụ dưa thứ tư. Lúc đầu ông chỉ trồng thử vài trăm dây lấy trái ăn, nhưng không ngờ khi thu hoạch ăn không hết đem bán được gần 4 triệu đồng. Ông Huynh cho biết, kỹ thuật trồng dưa trên bờ ruộng cũng giống như trồng trên đất liếp, chỉ có khác là tốn công để bắc giàn xuống ruộng cho dưa ra trái giống như các loại bầu, bí, khổ qua,.. Khi xuống giống lúa khoảng 1 tháng là có thể trồng dưa và chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch song song với cây lúa.
Thấy hiệu quả từ phương thức sản xuất này, nên một số thành viên khác trong tổ hợp tác cũng tham gia trồng. Anh Trần Văn Đáng có 15 công đất, thì đến nay đã tận dụng bờ mẫu 10 công để trồng dưa hấu và đang tất bật chăm sóc giàn dưa xanh tốt chuẩn bị cho trái. Anh Đáng chia sẻ: “Trồng dưa hấu tại ruộng nên rất thuận lợi. Khi chăm sóc lúa xong là chuyển qua lo cho dưa nên ít tốn công. Vụ dưa vừa rồi chỉ tính trồng thử, nhưng không ngờ thu được gần 12 triệu đồng”.
Đây là vụ thứ 2 gia đình ông Trần Văn Hinh trồng dưa hấu trên bờ mẫu. Tuy mô hình trồng dưa theo giàn khá mới mẻ đối với ông cũng như một số hộ dân ở đây, nhưng vốn là những nông dân có kinh nghiệm trồng trọt lại ham học hỏi, nên năng suất vụ vừa qua khá cao dù tổng diện tích đất bờ mẫu cộng lại chỉ hơn 1 công. Ông Hinh cho biết: “Trung bình trồng trên 1.000 dây/vụ. Mỗi dây cho 1 trái khoảng 2,5kg thu được gần 2,5 tấn dưa, lợi nhuận từ dưa dùng để mua phân thuốc nên giảm được nhiều chi phí để đầu tư cho ruộng lúa”.
Ông Trần Văn Huynh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của ấp 7 cũng là thành viên tổ hợp tác sản xuất cho hay: Thực tế cho thấy cũng là hình thức trồng hoa sinh thái, nhưng ngoài thu hút côn trùng có lợi và giúp xua đuổi sâu rầy hại lúa, thì việc trồng dưa hấu trên bờ bao ruộng lúa đã mở ra một phương thức sản xuất mới. Hiện tại, trong tổ hợp tác cũng có nhiều nông dân rục rịch chuẩn bị thử nghiệm chuyển từ trồng hoa dại sang trồng dưa hấu và có một số đang tính tới trồng các loại cây màu khác có thể bán được nhằm tăng nguồn thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.

Giá khóm tại Tân Phước (Tiền Giang) hiện đang rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng. Qua khảo sát tại các điểm thu mua, giá khóm hiện chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng lượng mua vào rất ít.

Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.

Hiện cả nước có 6.000 cơ sở chế biến có công nghệ thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản và 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình như thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ...

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.