Hiệu quả mô hình nuôi gà 6 cựa ở Quảng La

Đặc biệt, nhiều mô hình nuôi gà mới như: Nuôi gà chuyên thịt; gà chuyên trứng; gà 6 cựa… Trong đó, mô hình nuôi gà 6 cựa ở Quảng La được đánh giá là một mô hình mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con trong xã.
Anh Giáp Văn Thơ đang kiểm tra sức khỏe cho gà bố, mẹ
Tìm hiểu về mô hình này ở Quảng La, chúng tôi được biết gà 6 cựa (hay còn gọi là gà lông xước) từ lâu đã có tiếng là chắc, thơm, ngon được nuôi nhỏ, lẻ trong một số hộ dân ở Quảng La. Gía thành của gà 6 cựa trên thị trường tương đối cao.
Gà mái có trọng lượng trung bình 1,5 - 2kg/con; gà trống nặng từ 1,8 - 2,5kg với giá bán trên 160 ngàn đồng/kg.Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, nên rất ít hộ trong xã đầu tư vào mô hình này. Giữa năm 2014, UBND xã đã xây dựng dự án hỗ trợ phát triển giống gà này.
Mục đích của dự án là bước đầu tư, hỗ trợ hộ gia đình phát triển nghề nuôi gà 6 cựa theo hướng tập trung có tính sản xuất hàng hóa, khi thành công sẽ cho nhân rộng ra toàn địa bàn...
Từ mục tiêu đó, xã đã chủ động xây dựng mô hình trình diễn giống đặc trưng tại thôn 1 và thôn 5 để nông dân dễ thăm quan, học tập. Tổng kinh phí được dự án đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2016 dự kiến trên 2,3 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 556 triệu đồng. Mô hình mà xã lựa chọn để làm điểm là hỗ trợ 500 con giống cho 2 gia đình có vườn rộng trên 3.000m2 trở lên, có cây bóng mát, không nằm gần khu dân cư.
Quá trình triển khai, cán bộ khuyến nông, thú y của xã được chỉ đạo bám sát các hộ nuôi để hướng dẫn cách làm chuồng, trại, kỹ thuật ấp trứng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho gà giống. Sau hơn một năm thí điểm, gà 6 cựa tại 2 mô hình điểm đã trưởng thành rất tốt, có khả năng thích nghi cao lại cho ra sản phẩm thịt rất thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một trong những người tiên phong tham gia dự án nuôi gà 6 cựa của xã Quảng La là anh Giáp Văn Thơ ở thôn 1. Anh Thơ tâm sự, sở dĩ gia đình nhận nuôi thí điểm gà 6 cựa là vì từ lâu, gia đình đã có kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Và khi thấy xã tìm mô hình để làm điểm, anh mạnh dạn nhận lời.
Với trang trại sẵn có, anh đã nhận 525 con gà giống bố mẹ. Số gà này anh được hỗ trợ 80% tiền giống và 50% thức ăn chăn nuôi trong vòng 12 tháng. Nghĩ thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm, do là mô hình làm điểm, nên cán bộ xã đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật, vì vậy, ngày ngày, ngoài việc tiếp thu các kiến thức do cán bộ chuyên môn của xã chuyển giao, anh còn chịu khó mày mò tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo về kỹ thuật nuôi gà 6 cựa để ứng dụng vào thực tiễn của trang trại mình.
Không phụ công anh, chỉ sau một thời gian ngắn, đàn gà đã sinh trưởng rất tốt. Từ khi thí điểm đến nay, anh đã cho ấp nở thành công và bán ra thị trường trên 600 con giống, 1.500 quả trứng. Với giá giống 80.000đ/con, 1.500đ/quả trứng, vợ chồng anh đã thu về trên 60 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, đã cho lãi trên 30 triệu đồng...
Vừa dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, anh Giáp Văn Thơ vừa cho biết: “Thấy mô hình của chúng tôi thành công, nhiều hộ trong xã đã đang ký mua con giống và nhờ chuyển giao kỹ thuật. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm đánh giá đầy đủ về hiệu quả cũng như tổng kết kinh nghiệm chăn nuôi già 6 cựa để nhân rộng ra trên địa bàn.
Tôi tin rằng gà 6 cựa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi”. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Việt Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) cũng bày tỏ sự lạc quan về mô hình này. Anh khẳng định, thành công lớn nhất của địa phương trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian qua chính là đã tạo ra được sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của nông dân về mô hình sản xuất hàng hóa.
Đến nay, từ tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhân dân trong xã đã không chỉ phát triển bền vững các loại cây truyền thống ở địa phương mà nhiều người còn mạnh dạn thí điểm một số cây trồng, vật nuôi mới như ổi Đài Loan, dứa, lợn rừng, gà 6 cựa... Từ thành công bước đầu, hiện xã đang cho nhân rộng việc nuôi gà 6 cựa ra trên địa bàn. Nếu đi vào chăn nuôi đại trà, đây là giống có thể giúp bà con vươn lên làm giàu trong thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây thường xuyên đạt 1,1 đến 1,2 triệu con. Toàn tỉnh có 430 trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Cùng với sự phát triển chăn nuôi thì nguy cơ dịch bệnh cũng gia tăng.

Những năm gần đây, trồng ca cao là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Chỉ riêng tại Hưng Lộc, xã có diện tích trồng ca cao nhiều nhất huyện, đã có trên 80 hécta.

Tốt nghiệp đại học ngành Việt Nam học nhưng anh Trần Minh Thiệp ở thôn Cẩm Lãnh (Tiên Cẩm - Tiên Phước - Quảng Nam) lại đam mê nuôi chim trĩ. Đây là trại nuôi chim trĩ đầu tiên ở Quảng Nam và đang gặt hái được nhiều thành công.

Đã bước sang tháng 5, nhưng ở Ninh Thuận vùng nuôi tôm dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam) vẫn còn không khí trầm lắng, khá nhiều ao đìa còn bỏ không. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận, trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh làm tôm nuôi chết rải rác đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ.

Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.