Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Thương Phẩm Tại Nam Cường (Thái Bình)

Sau 9 tháng, 2.000 con cá trắm đen nuôi, trên diện tích 5.000m2 của ông Đức Văn Khiêm (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã cho lãi 227 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi cá nước ngọt truyền thống. Đây là mô hình điểm nuôi cá trắm đen thương phẩm tại vùng chuyển đổi nuôi cá của xã, cần được nhân rộng.
Ông Đức Văn Khiêm cho biết: Đầu năm 2013, ông nuôi 2.000 con cá trắm đen trên diện tích 5.000m2, sau 9 tháng thu hoạch và thu lãi 227 triệu đồng. Mặc dù lần đầu nuôi cá trắm đen nhưng ông đã được hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ vật tư và cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám sát chỉ dẫn trong suốt quá trình nuôi.
Đầu năm 2014, ông Khiêm tiếp tục thả nuôi khoảng 2.400 con giống, hiện tại cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi con đạt khoảng 1kg. Còn 5 tháng nữa cá mới thu hoạch nhưng đã có nhiều khách hàng đến đặt mua trước, giá đặt hàng cao hơn giá cá trắm đen đang bán ngoài thị trường vì cá ở đây có chất lượng thịt tốt hơn.
Theo anh Phạm Văn Nghiệp, cán bộ phát triển kinh tế lâm - thủy sản xã: Thức ăn sử dụng cho cá trắm đen chủ yếu là don, dắt, ngoài ra còn ăn thêm cua, ốc và các loại động vật đáy có trong ao. Đối với các ao đầm nuôi tại xã Nam Cường do bị nhiễm mặn nên lượng con don, dắt dư thừa sẽ không bị chết nên không ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi.
Điều đặc biệt hơn nữa là Nam Cường có nguồn don, dắt sẵn có, dễ khai thác là thức ăn tự nhiên rất tốt cho cá trắm đen, giúp cá nhanh lớn, thịt cá rắn và thơm hơn cá trắm nuôi ở các địa phương khác. Chính vì vậy nuôi cá trắm đen ở vùng chuyển đổi xã Nam Cường là rất phù hợp.
Đối với cá nuôi truyền thống, sau khi cải tạo ao xong phải gây màu nước nhằm tạo thức ăn tự nhiên cho cá, nhưng đối với cá trắm đen không nhất thiết phải gây màu nước ao trước khi thả vì cá sử dụng thức ăn don, dắt tươi sống. Duy trì độ sâu nước ao từ 1,4 - 1,6m, bờ ao kè tấm bê tông chắc chắn, ao nuôi gần nguồn nước, có cống thoát nước chủ động; ao thoáng không có vật cản che phủ ánh sáng, thoáng gió.
Nam Cường là xã có phong trào nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển mạnh và duy trì ổn định về diện tích, tổng diện tích NTTS toàn xã là 130 ha với 305 hộ nuôi trồng. Tuy nhiên, trong năm 2013 do hạ tầng xuống cấp, quy hoạch chưa đồng bộ, diện tích nuôi còn manh mún, giá cả không ổn định đã gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con.
Xác định NTTS là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã đã có chủ trương, giải pháp đa dạng hóa con vật nuôi như tôm, cua, cá các loại. Năm 2013, Nam Cường đã triển khai mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm. Cá trắm đen là một trong những đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thích hợp nuôi trong môi trường nước ngọt với nhiều loại hình nuôi từ quy mô nhỏ tới quy mô công nghiệp.
Ông Hoàng Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Hàng năm, đối với vùng NTTS địa phương đã chủ động định hướng nuôi thả đa dạng các đối tượng con vật nuôi, từng bước quy hoạch vùng nuôi và khảo nghiệm các đối tượng mới trước khi đưa vào nuôi thả đại trà trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên của xã.
Mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm tại vùng chuyển đổi bước đầu đã đạt được kết quả khá cao, góp phần định hướng con vật nuôi cho các hộ dân.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi đó, các yếu tố con giống, thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến môi trường nuôi luôn biến động; các công trình hạ tầng phục vụ NTCN hiện đang thiếu và yếu, nhất là điện… thì người NTCN nuôi ở mật độ dày (80 - 200 con/mét vuông) khó có thể đạt được hiệu quả như mong đợi.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông xuất hiện nhiều gương nông dân đi đầu trong việc nuôi thâm canh cá thịt cung cấp cho thị trường nội địa và thị trường trong tỉnh, nhằm phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, họ chính là nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNN) về tiến độ xây dựng Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam bộ tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiết bị câu sản xuất trong tỉnh có giá thành thấp hơn nhiều so với thiết bị nhập khẩu của Nhật Bản. Sản xuất thiết bị câu cá ngừ đại dương là nội dung bổ sung của đề tài nghiên cứu “Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương bằng câu tay, kết hợp ánh sáng” do Chi cục thực hiện từ tháng 1/2013- 10/2014.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng mô hình sản xuất đa canh - đa con nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân từng bước vươn lên khá giàu.