Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở địa phương được chọn nuôi thử nghiệm. Trên 2 sào ao trước đây nuôi cá mè, trắm, chép, anh tháo cạn nước, vét bớt bùn, dọn sạch cỏ, rong bám xung quanh bờ ao, rãi vôi bột phơi nắng 3 ngày rồi cho nước vào thả giống cá diêu hồng với mật độ 6 con/m2. Điều thuận lợi, anh được hỗ trợ toàn bộ 12.000 con giống trị giá gần 11 triệu đồng và 40% thức ăn (2 tấn cám công nghiệp, trị giá 24 triệu đồng).
Hằng ngày, anh dùng gạo nấu chín trộn với cám tổng hợp vắt tròn cho cá ăn. Anh bố trí các sàn ăn trong ao để kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày, sử dụng nhiều sàn để cá lớn, cá nhỏ đều được ăn, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước. Kết quả sau 5 tháng chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 85%, cao hơn kế hoạch đề ra 15%. Trọng lượng cá đạt 0,5 kg/con, cao hơn kế hoạch đề ra 0,1%/kg. Sản lượng thu được hơn 4 tấn. Với giá cá 32 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 42 triệu đồng.
Anh Hùng, cho biết: Tôi nuôi cá nước ngọt hơn 10 năm nay, nhưng chưa có loại nào dễ nuôi, được giá và dễ bán như cá diêu hồng. So với cá trắm, chép thì thời gian sinh trưởng của cá diêu hồng ngắn hơn. Vụ cá tới tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi lên 1 ha.
Đồng chí Võ Tấn Hậu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Đây là mô hình đầu tiên triển khai tại địa phương. Qua thực tế cho thấy, cá diêu hồng thích nghi với môi trường sống ở đây. Với mục đích thông qua nuôi thử nghiệm để nhân rộng mô hình, nên trong thời gian thực hiện chúng tôi đã tổ chức cho nông dân tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Đến khi thu cá, đơn vị đã tổ chức hội nghị đầu bờ có sự tham gia của đông đảo bà con. Qua thăm dò, có rất nhiều hộ dự định sẽ nuôi cá diêu hồng trong thời gian tới. Triển vọng phát triển nghề nuôi cá diêu hồng là rất lớn, vì ở địa phương có hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho các ao hồ.
Có thể bạn quan tâm

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Cần Thơ, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, Viện nuôi trồng thủy sản II (TP.HCM) đã khảo sát thành phần dinh dưỡng và lợi ích sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra trong nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mục đích phân tích thành phần dinh dưỡng của bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình trạng cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh, rạch ở địa bàn xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy trong những ngày gần đây, Chi cục Thủy sản Hậu Giang đã đưa ra khuyến cáo người nuôi thủy sản một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến đàn cá trong ao.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ) đang gặp khó và lợi nhuận không cao, thậm chí còn thua lỗ. Lý giải về vấn đề này, ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phân tích: Với giá thành tôm nguyên liệu giảm mạnh (15.000 - 20.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng và 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với tôm sú), cùng với đó là năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, làm cho tôm nuôi bị bệnh, nên tăng chi phí sản xuất.

Đồng Tháp có lợi thế tự nhiên rất lớn để phát triển con cá điêu hồng. Diện tích cá điêu hồng trong lồng, bè không ngừng biến động qua từng năm.

Sau buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm tại xã Kim Long, huyện Châu Đức vào ngày 23/6/2015 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan mô hình nuôi ếch trong bể của hộ anh Ngô Văn Bài ở tổ 14, ấp Hưng Long, xã Kim Long.