Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Bò Vỗ Béo Ở Xã Hạnh Phúc (Thanh Hóa)

Có địa hình trải dọc theo sông Chu, nhiều diện tích đất bãi phù hợp với cây ngô, trước đây bà con thường tận dụng để chăn nuôi trâu, bò theo kiểu truyền thống, phục vụ cày kéo.
Năm 2009, xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều hộ gia đình ở xã Hạnh Phúc (Thọ Xuân - Thanh Hóa) đã mua trâu, bò từ các nơi khác về vỗ béo rồi bán ra thị trường. Trung bình mỗi con trâu, bò mua về bà con thường nuôi thêm khoảng 2 tháng là xuất bán. Ngoài việc chăn thả, thức ăn chủ yếu là các loại sản phẩm nông nghiệp như: cây ngô, cỏ voi, lúa, ngô hạt.
Gia đình anh Trịnh Văn Trung, ở thôn 9, hiện đang nuôi 6 con trâu, bò cho biết: Với giá tại địa phương, 1 tấn ngô chỉ bán được 6 triệu đồng, nếu để vỗ béo trâu, bò sẽ thu về gấp 3 lần. Ngoài việc đồng áng, việc vỗ béo trâu, bò có thể tận dụng tối đa thời gian. Mỗi con trâu, bò sau khi được vỗ béo có lời khoảng 3 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Theo kinh nghiệm của anh Trung, khâu chọn mua rất quan trọng. Nếu chọn phải con chậm phát triển, sau 2 tháng nuôi vẫn chưa béo để có thể bán, phải nuôi thêm, thời gian đầu tư sẽ dài hơn, số lãi sẽ ít đi và ngược lại. Để tăng thêm nguồn thức ăn, bà con tận dụng từng khoảnh đất nhỏ để trồng cỏ. Hiện, cả xã Hạnh Phúc có khoảng trên 200 hộ nuôi trâu, bò vỗ béo với gần 600 con. Năm 2012, lúc cao điểm cả xã có tới khoảng trên 700 con.
Do trâu, bò được mua từ các địa phương khác đưa về nên bà con rất chú trọng đến việc phòng dịch (không mua trâu, bò không có giấy kiểm dịch của ngành thú y). Ngoài ra, công tác tiêm phòng cũng được các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để. Vì vậy, từ trước tới nay, xã chưa hề bị dịch bệnh.
Gia đình ông Nguyễn Vũ Tới, thôn 5 hiện đang nuôi 6 con bò, là một trong những hộ có kinh nghiệm nuôi trâu, bò lâu năm ở xã. Năm 2012 ông Tới và gia đình đã vỗ béo được 70 con trâu, bò. Lúc cao điểm nuôi tới 10 con và còn duy trì luôn cả lò mổ. Do không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Tới, thấy rõ hiệu quả từ việc vỗ béo trâu, bò nên bà con nông dân trong xã đã mở rộng diện tích cây trồng vụ đông để thêm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Năm 2013, cả xã có 154,3 ha cây rau màu các loại. Riêng năm 2012 cả xã vỗ béo và đưa ra thị trường trên 1.000 con trâu, bò thì thu về nguồn lợi rất đáng kể. Năm 2011 thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/năm, năm 2012 tăng lên 18 triệu, năm 2012 lên 23 triệu.
Để giúp nông dân trong xã có điều kiện đầu tư chăn nuôi, hội nông dân xã đã làm tốt công tác phối hợp với các ngân hàng để hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại do hội tín chấp và ủy thác gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra còn tích cực phối hợp để tổ chức tập huấn đưa kiến thức khoa học - kỹ thuật đến hội viên, nông dân nhất là công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho bà con.
Xã Hạnh Phúc đang trên đà cán đích 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2013. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng giúp cải thiện đời sống, tạo sự phát triển bền vững từ mỗi hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 14-3, các xã nuôi tôm trọng điểm ven Đầm Nại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đồng loạt ra quân triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” kênh mương nuôi trồng thủy sản.

Ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) ai cũng biết nông dân Nguyễn Hồng Phúc và vợ là bà Trần Thị Lý Mai đã vươn lên từ nghèo khó, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu.

Căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, điều kiện thời tiết, các loài thiên địch hiện diện ngoài đồng (bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang,...), Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ dự báo rầy nâu, bọ trĩ, ốc bươu vàng… là những đối tượng gây hại chính đối với lúa đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014 trong những ngày tới.

Người dân thôn 2, xã vùng cát Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam rất tâm đắc với mô hình nuôi bồ câu của bà Nguyễn Thị Lệ Xuân. Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập cho bà Xuân gần 2 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 19 nghìn ha chè, trong đó có gần 17 nghìn ha chè kinh doanh; 70 vườn ươm giống chè, hiện các hom giống đang ở giai đoạn nẩy mầm, mọc rễ. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao trên 90% nên lác đác một số nơi đã xuất hiện bệnh phồng lá chè.