Hiệu Quả Mô Hình 2 Lúa + 1 Bắp

Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Ông Hồ Thanh Tuyển , Chủ tịch UBND xã Đức Phú, cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, bố trí mùa vụ hợp lý là vấn đề quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời giúp người dân tránh được rủi ro trong sản xuất, đem lại thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững. Xác định được điều đó, UBND xã Đức Phú đã tổ chức họp dân xin ý kiến về việc đưa mô hình 2 lúa + 1 bắp vào triển khai thực hiện và được bà con đồng tình hưởng ứng.
Tổng diện tích lúa toàn xã khoảng 350ha, do nguồn nước không đủ để phục vụ sản xuất nên lúa chỉ trồng được ở 2 vụ hè thu sớm và vụ mùa. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong, đa số diện tích lúa được chuyển sang sản xuất cây bắp lai vụ đông xuân.
Hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, bắp lai cho bà con. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, mô hình chuyển đổi 2 lúa, 1 bắp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Hiện, năng suất lúa bình quân đạt 6 tạ/sào, bắp lai 1 tấn/sào (bắp lấy hạt). Đặc biệt, những năm gần đây, việc trồng bắp lai đã mang lại thu nhập cao nên nông dân trong vùng rất mặn mà với cây trồng này.
Bắp lai không chỉ sản xuất lấy hạt mà còn được thương lái mua cả cây về làm thức ăn cho bò sữa. Theo tính toán của bà con, nếu 1ha lúa cho lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng thì 1ha bắp lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng. Nếu bán bắp cây thì bà con còn thu lãi khá và đỡ tốn công hơn trồng bắp lấy hạt, vì bắp nguyên cây chỉ trồng khoảng 70 - 75 ngày, còn bắp lấy hạt mất 100 - 105 ngày, nên khi bán bắp cây xong có thể trồng thêm vụ bắp khác.
Việc luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ bắp không chỉ giúp cải tạo đất, lúa ít sâu bệnh, đạt năng suất cao mà trồng bắp trên đất lúa không tốn công làm đất. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 4 cho biết: “Trồng bắp lai khá đơn giản, sau khi gặt lúa vụ mùa xong, cắt gốc rạ, sau đó gom lại đốt thành tro. Không cần cày đất mà để vậy thọc lỗ, bỏ hạt bắp xuống và lấy ít đất cát pha lấp lại, sau ít ngày bắp nảy mầm. Khi bắp khoảng 10 ngày tuổi thì tưới nước, bón phân, xịt thuốc theo hướng dẫn”.
Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, xã Đức Phú sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tìm đầu mối thu mua bắp lai giúp nông dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, Hội Nông dân xã dự kiến đề nghị thành lập Tổ hợp tác nông dân nuôi bò sữa, nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nghề chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Theo dự kiến, một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội là vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) sau gần 3 năm triển khai thực hiện.

Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.

Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.

Có dịp được tận mắt nhìn thấy những ao, đầm nuôi sò huyết của người dân ở vùng Tân Biên, Kiên Giang cho lợi nhuận rất cao, năm 2010 anh Võ Văn Sóng, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành (Trà Vinh) quyết định nuôi thử nghiệm con sò huyết trong ao đất. Kết quả qua 3 vụ nuôi đều thành công, mang về cho gia đình lợi nhuận vài chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.