Hiệu Quả Mô Hình 2 Lúa + 1 Bắp

Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Ông Hồ Thanh Tuyển , Chủ tịch UBND xã Đức Phú, cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, bố trí mùa vụ hợp lý là vấn đề quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời giúp người dân tránh được rủi ro trong sản xuất, đem lại thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững. Xác định được điều đó, UBND xã Đức Phú đã tổ chức họp dân xin ý kiến về việc đưa mô hình 2 lúa + 1 bắp vào triển khai thực hiện và được bà con đồng tình hưởng ứng.
Tổng diện tích lúa toàn xã khoảng 350ha, do nguồn nước không đủ để phục vụ sản xuất nên lúa chỉ trồng được ở 2 vụ hè thu sớm và vụ mùa. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong, đa số diện tích lúa được chuyển sang sản xuất cây bắp lai vụ đông xuân.
Hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, bắp lai cho bà con. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, mô hình chuyển đổi 2 lúa, 1 bắp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Hiện, năng suất lúa bình quân đạt 6 tạ/sào, bắp lai 1 tấn/sào (bắp lấy hạt). Đặc biệt, những năm gần đây, việc trồng bắp lai đã mang lại thu nhập cao nên nông dân trong vùng rất mặn mà với cây trồng này.
Bắp lai không chỉ sản xuất lấy hạt mà còn được thương lái mua cả cây về làm thức ăn cho bò sữa. Theo tính toán của bà con, nếu 1ha lúa cho lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng thì 1ha bắp lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng. Nếu bán bắp cây thì bà con còn thu lãi khá và đỡ tốn công hơn trồng bắp lấy hạt, vì bắp nguyên cây chỉ trồng khoảng 70 - 75 ngày, còn bắp lấy hạt mất 100 - 105 ngày, nên khi bán bắp cây xong có thể trồng thêm vụ bắp khác.
Việc luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ bắp không chỉ giúp cải tạo đất, lúa ít sâu bệnh, đạt năng suất cao mà trồng bắp trên đất lúa không tốn công làm đất. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 4 cho biết: “Trồng bắp lai khá đơn giản, sau khi gặt lúa vụ mùa xong, cắt gốc rạ, sau đó gom lại đốt thành tro. Không cần cày đất mà để vậy thọc lỗ, bỏ hạt bắp xuống và lấy ít đất cát pha lấp lại, sau ít ngày bắp nảy mầm. Khi bắp khoảng 10 ngày tuổi thì tưới nước, bón phân, xịt thuốc theo hướng dẫn”.
Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, xã Đức Phú sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tìm đầu mối thu mua bắp lai giúp nông dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, Hội Nông dân xã dự kiến đề nghị thành lập Tổ hợp tác nông dân nuôi bò sữa, nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nghề chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian ngắn tăng giá cục bộ, những ngày qua giá các loại phân bón đặc biệt là phân đạm (Urê) đã ổn định trở lại.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đạt 11.650 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực khai thác hải sản, sản lượng đạt 8.840 tấn.

Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng ngành thủy sản ước đạt gần 2.900 tấn, đạt 25,8% kế hoạch (KH), giảm 20,9% so cùng kỳ năm 2014.

Hiện nay, mô hình nuôi cá tra công nghiệp ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có ông Nguyễn Văn Đời (sinh năm 1954), cư ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Phong.

Ngày 7-7, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 và kết quả 1 tháng áp dụng Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm cho đăng ký Hợp đồng xuất khẩu theo Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.