Hiệu Quả Kinh Tế Từ Việc Trồng Chanh Ở An Hiệp (Đồng Tháp)

Những năm qua, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong đó, cây chanh là một trong những loại cây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông Trần Thanh Phong, ấp An Hòa trồng chanh từ năm 1998. Trên diện tích 4.600 m2, ông trồng khoảng 250 gốc chanh. Thời gian đầu do chưa biết cách đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất đạt thấp, đã có lúc gia đình ông có ý định phá bỏ để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình trồng chanh ở nhiều nơi, ông đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây chanh. Nhất là từ khi thành lập Tổ xử lý chanh ra hoa nghịch vụ (năm 2010), với 5 thành viên do ông làm tổ trưởng, nhờ kinh nghiệm bản thân cùng với áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên nhiều năm nay, vườn chanh của gia đình ông luôn đạt năng suất cao.
Đặc biệt hai năm nay, do áp dụng thành công kỹ thuật xử lý chanh ra hoa nghịch vụ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài nên giá chanh ở thị trường tăng hơn so với mọi năm, giá dao động từ 14 ngàn - 41 ngàn/kg, nhờ đó mà cây chanh đã mang về nguồn thu cho gia đình ông gần 210 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp An Hòa kinh tế khá lên cũng nhờ cây chanh. Trước đây, anh Thanh và nhiều hộ dân trong ấp chọn cây ổi là cây trồng chính nhưng cây ổi có năng suất và giá thành thấp. Năm 2002, anh quyết định chuyển sang trồng chanh. Theo anh Thanh, giá trị kinh tế mà cây chanh mang lại gấp 2 - 3 lần so với cây ổi. Anh trồng 3.000 m2 với khoảng 200 gốc chanh, hàng năm thu hoạch trên 4 tấn trái, thu nhập gần 150 triệu đồng. Hiện tại, anh mướn thêm 2.000 m2 đất để trồng chanh. Nhờ cây chanh mà anh mua thêm được 2.000 m2 đất và chuẩn bị xây ngôi nhà mới khang trang.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây chanh, nên nhiều người dân ở ấp An Hòa tham gia, diện tích trồng chanh của ấp đạt trên 280 ha, chiếm 3/4 diện tích đất sản xuất của ấp. Ngoài ông Phong, anh Thanh, còn nhiều hộ gia đình khấm khá lên nhờ cây chanh như hộ ông Võ Thanh Phước, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Văn Trum, Lê Minh Trí...
Nguồn thu nhập khá cao từ cây chanh đã giúp nhiều hộ gia đình ở ấp An Hòa, xã An Hiệp vươn lên thoát nghèo và khá giàu. Nếu như năm 2002 - 2003 tỷ lệ hộ nghèo của ấp chiếm trên 30% thì đến nay chỉ còn 7,26%, dự kiến tới cuối năm 2012 sẽ giảm còn 3,79%. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được cải thiện đáng kể.
Phát huy hiệu quả kinh tế từ việc trồng chanh, xã An Hiệp mở nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ loại cây này, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, sản lượng vải thiều Lục Ngạn tuy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng vải không bị bán đổ, bán tháo do ngoài thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 1/2 lượng xuất khẩu thì vải Lục Ngạn đã tìm được một số thị trường mới như Úc, Nhật, Hàn Quốc.

Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng thì ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất.

Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn một tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Từng chiếc quẩy tấu nhuộm vàng những bắp ngô chắc hạt được người dân thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nối bước nhau theo đường mòn, gùi về sân phơi... Bên bãi ngô ven bờ sông Lô, nhiều cặp vợ chồng sôi nổi luận bàn về mùa ngô năng suất mà chưa bao giờ họ có được.

Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cảnh báo về mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường nước, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy hải sản cũng như sức khỏe con người từ việc sử dụng tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Tuy nhiên, việc nuôi hàu tự nhiên bằng loại vật liệu này vẫn đang được áp dụng phổ biến ở BR-VT.