Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nghề Trồng Táo

Nghề trồng táo ở tỉnh ta tồn tại hơn 20 năm qua, nhưng chưa có điều kiện phát triển. Tuy nhiên vài năm gần đây thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá cả ổn định nên nhiều hộ nông dân tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích.
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, tổng diện tích trồng táo trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng hơn 960 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng 28.800 tấn/năm.
Giống táo các hộ nông dân đang trồng gọi là táo xanh (nhiều người gọi là táo Phan Rang), quả nhỏ (từ 10-25 quả/kg), màu xanh vàng bóng, giòn và có vị ngọt thanh. Đặc điểm khí hậu ở tỉnh ta rất phù hợp với cây táo.
Đến nay, cây táo được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh từ huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Tại phường Văn Hải, vốn được nhiều người biết đến là vùng trọng điểm của cây nho và các loại rau màu, vài năm trở lại đây, cây táo xuất hiện và dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả.
Hiện nay quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do không có bao bì, nhãn mác nên giá bán còn khá thấp. Các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo …chưa có nên quả táo thường hay bị dội chợ khi được mùa. Táo thu hoạch thường chưa qua khâu sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn chỉ sau 5 ngày chất lượng táo bắt đầu xuống cấp và sau một tuần có thể bị hư hỏng.
Theo ông Cao Cường, khu phố 2, phường Văn Hải đã gắn bó với cây nho, nhưng do trồng nho phải đầu tư chi phí cao lại dễ bị sâu bệnh, nên sau khi đi thực tế học tập kinh nghiệm trồng táo ở một số địa phương, ông quyết định chuyển diện tích trồng nho sang trồng táo. Qua gần 3 năm, vườn táo của ông phát triển rất tốt, cho năng suất cao, bình quân 3,5 tấn/ sào/năm.
Nhiều người dân tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hữu (Ninh Phước) đang tập trung đầu tư phát triển trồng táo. Nổi bật là mô hình trồng táo kết hợp chăn nuôi dê, cừu của vợ chồng anh Dương Văn Ấm ở thôn Ninh Quý, xã Phước Sơn.
Năm 2003, thấy được giá trị kinh tế của cây táo, vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư trồng táo kết hợp với chăn nuôi dê, cừu. Đến nay, gia đình anh đã trồng 3 ha, năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm, giá tiêu thụ tại vườn từ 7- 8 triệu đồng/tấn, thu lãi từ 140 triệu đến 160 triệu đồng/ha.
Để giúp người dân có thêm điều kiện phát triển cây táo, tháng 6-2010, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã triển khai dự án Tổ liên minh kinh doanh và đầu tư trồng táo xanh ở phường Văn Hải, với diện tích 75 ha. Dự án này được thực hiện trong 2 năm (2010-2011) với kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Nghề trồng táo mang lại hiệu quả kinh tế, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở ra triển vọng mới cho nông dân trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Không khí tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối qua trở nên náo nhiệt hơn bởi sự có mặt của 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015. Cùng với những cái bắt tay, chào hỏi là những câu chuyện về kết nối thông tin, làm ăn, hội nhập mà chỉ nhà nông xuất sắc mới nghĩ ra...

Giữa tình hình khó khăn do nắng hạn gay gắt khiến vụ thu hoạch chậm hơn 20 – 25 ngày, giá ngô thương phẩm giảm khiến thu nhập của nông dân (ND) nhiều nơi bị ảnh hưởng..., thì vụ ngô 2015 tại Sơn La vẫn được mùa, nhà nông thu nhập khá nhờ việc sử dụng giống ngô biến đổi gen (BĐG).

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, Agribank cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đạt kết quả khả quan, với giá trị hợp đồng vay vốn đạt trên 647 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 265 tỷ đồng.

Nông dân vùng ven đô phường 9, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đang đua nhau bán đất vườn cho những người có nhu cầu xây cất nhà cửa. Thế nhưng nhiều người không thể bỏ nghề nông. Hội ND địa phương đang cùng bà con làm kinh tế trên diện tích đất sản xuất còn lại…

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015” cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tự hào Nông dân Việt Nam” đã diễn ra trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối qua 14.10.