Hiệu quả kinh tế từ cánh đồng tôm mẫu

Mô hình cánh đồng tôm mẫu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến được Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải phối hợp với xã Long Điền thực hiện thí điểm vào tháng 4/2014 (tại ấp Thạnh I), có 45 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích 37ha. Để mô hình cánh đồng tôm mẫu phát huy hiệu quả, ngay từ những ngày đầu triển khai, Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Theo đó, các hộ nằm trong vùng thực hiện mô hình trước khi thả giống đều tuân thủ các công đoạn bắt buộc như: phơi khô mặt đáy ao và xử lý bằng vôi, lấy nước qua hệ thống ống lược để tránh cá tạp, xử lý nguồn nước bằng chế phẩm vi sinh trước khi xuống giống, mật độ thả nuôi 2 con/m2… Riêng về con giống, Phòng NN&PTNT huyện lấy mẫu từ các trại tôm giống đi xét nghiệm và chọn nguồn giống có chất lượng để cung cấp cho hộ nuôi.
Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện còn hướng dẫn bà con cách đánh giá, theo dõi quá trình phát triển của tôm để xây dựng nhật ký vùng nuôi, làm cơ sở so sánh hiệu quả kinh tế với hình thức nuôi cũ. Đồng thời, Phòng cũng hỗ trợ miễn phí chế phẩm vi sinh cho bà con sử dụng.
Nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi nên sau 3 tháng, tôm nuôi đạt kích cỡ 15 - 20 con/kg. Do nằm trong vùng nuôi tôm nguyên liệu sạch nên thương lái mua với giá 230.000 - 245.000 đồng/kg (cao hơn so với tôm nuôi ngoài mô hình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg). Sau 3 tháng nuôi, lợi nhuận bình quân của các hộ nằm trong vùng nuôi thí điểm đạt 18 triệu đồng/ha. Cá biệt có hộ lãi từ 40 - 60 triệu đồng/ha.
Ông Võ Thanh Dân (ấp Thạnh I, xã Long Điền) chia sẻ: “Trước khi áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (như hiện nay), tôm nuôi của tôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh và chết rất nhiều. Nhờ thực hiện mô hình này nên việc nuôi tôm thuận lợi, tôm nuôi không còn thiệt hại như trước, cho người nuôi thu nhập ổn định”.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình quảng canh cải tiến nên nhiều người không nằm trong vùng nuôi thí điểm cũng áp dụng theo quy trình kỹ thuật nuôi mới này, và cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ thu nhập ổn định từ con tôm, nhiều hộ nằm trong vùng nuôi thí điểm còn nuôi cùng lúc nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua, sò huyết… giúp tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, đánh giá: “Mô hình cánh đồng mẫu tôm nuôi quảng canh cải tiến là một trong những mô hình kinh tế điển hình để huyện tiếp tục nhân rộng. Áp dụng mô hình này vào sản xuất sẽ giúp bà con nắm bắt cách ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đồng thời, đây cũng là “bước đệm” để huyện Đông Hải hướng đến xây dựng vùng tôm nuôi nguyên liệu sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu thủy sản”.
Có thể bạn quan tâm

Loại cá sấu được các cơ sở ở Đồng Nai nuôi đều là cá sấu nước ngọt. Nguồn giống phần lớn được mua từ miền Tây, sau 1,5 - 2 năm nuôi cá sấu đạt 20 - 30 kg/con là xuất chuồng. Có những thời điểm như giữa năm 2014, giá cá sấu lên đến 280 ngàn đồng/kg, song hiện nay đã “hạ nhiệt” xuống còn 210 ngàn đồng/kg. Cá sấu chỉ cần trên 100 ngàn đồng/kg trở lên là đã rất hấp dẫn người nuôi.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, sau 8 tháng nuôi thử nghiệm 2 lồng cá hồng, chim trắng vây vàng, cá dìa bằng công nghệ Đan Mạch, tại hai xã Lộc Bình (Phú Lộc) và Hải Dương (Hương Trà), Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã tổng kết mô hình.

Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú công nghiệp chiếm khoảng 300 ha với 435 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 4 – 6 tấn/ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên 1.600 ha với gần 2.800 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 6 – 7 tấn/ha, tập trung tại các xã: Tân Hải, Phú Tân, Phú Thuận, Nguyễn Việt Khái, Việt Thắng và thị trấn Cái Đôi Vàm.

Giữa sóng nước bao la, những ngư dân lão luyện của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) chỉ cần dăm con tôm gỗ, vài bao nilon đựng bông gòn… là đánh bắt được những con mực lá, mực nang trắng phau, nặng trịch. Kỹ thuật dùng mồi giả để “dụ” cá, mực... là sự đúc kết kinh nghiệm đi biển từ bao đời của ngư dân làng chài trù phú nhất nhì tỉnh.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vựa cá ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc cho biết: Giá cá chốt từ đầu vụ bán cho người làm mắm được 10.000 đồng/kg. Nhưng do nguồn nguyên liệu ứ thừa, nên từ hai tháng nay, không còn người mua để chế biến các loại mắm, đành phải hạ giá xuống còn 7.000 đồng/kg bán làm thức ăn gia súc!