Hiệu Quả Kinh Tế Từ Các Mô Hình Tổ Hợp Tác

Gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều các tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của THT đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, tính đến nay trên toàn tỉnh có 840 THT, hoạt động trong các lĩnh vực: Tín dụng, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng… Mặc dù được hình thành mang tính tự phát, quy mô nhỏ, nhưng nhờ phương thức tổ chức điều hành quản lý gọn nhẹ, linh hoạt nên đa phần các THT làm ăn có lãi.
THT trồng táo Văn Hải, ở phường Văn Hải, (Phan Rang - Tháp Chàm) thành lập năm 2011, chuyên sản xuất táo xanh trên diện tích 90 ha. Trước đó, 90 tổ viên làm ăn nhỏ lẻ, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến chất lượng và năng suất thấp. Từ khi vào THT, các tổ viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên năng suất vượt trội, đạt 35 tấn/ha/vụ, tăng 0,5 tấn so với trước, tỷ lệ táo loại 1 từ 10% tăng lên 20%.
Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tỷ lệ táo quả không an toàn rất thấp, dưới mức cho phép. Do được chăm sóc và bảo quản đúng kỹ thuật nên táo có màu sắc đẹp, độ ngọt cao, giá bán tăng thêm hơn 1.000 đồng/kg. Ông Cao Cường, Tổ trưởng THT, cho biết: “Nét nổi bật trong hoạt động của THT là đã tổ chức tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra các tỉnh phía Bắc và Tây nguyên. Tổng doanh thu trong 2 năm (2011 và 2012) của THT đạt 8,74 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 5,8 tỷ đồng. Sản xuất 1 ha táo cho thu nhập 96 triệu đồng/năm”.
Đối với các loại hình THT có sự tham gia quản lý của cộng đồng như Tổ đoàn kết khai thác thủy sản, Tổ cộng đồng nuôi, trồng thủy sản cũng hoạt động có hiệu quả. Các tổ tạo sự gắn kết trong mùa vụ, xử lý nước thải, thực hiện quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGap đã góp phần ổn định môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh. Riêng các Tổ đoàn kết khai thác thủy sản cùng chia sẻ ngư trường, cung cấp dịch vụ hậu cần, tổ chức khai thác dài ngày trên biển đạt hiệu cao, tiêu biểu như các tổ ở xã Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam), Tri Hải, Thanh Hải (Ninh Hải).
Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Diêm, nhìn nhận: “Từ khi hình các Tổ đoàn kết khai thác thủy sản, ngư dân sát cánh bên nhau ra khơi xa đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn trước”. Trên thực tế, còn có các mô hình, tổ liên kết, liên minh các hộ nông dân sản xuất cũng được thành lập và hoạt động khởi sắc, như: Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã An Hải, Phước Sơn (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải), sản xuất ngô lai ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn)…
Đồng chí Đỗ Văn Minh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho rằng: “Hoạt động của THT có hiệu quả là nhờ loại hình kinh tế này có ưu thế rõ rệt, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề. Các THT hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Các tổ viên chủ động trao đổi, bàn bạc tìm hướng đi tối ưu nhất, mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển sản xuất bằng nội lực.
Họ luôn cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Do tính chất tự nguyện, tự chủ, tự quản, nên hoạt động của các THT rất linh hoạt, thích ứng được với mọi biến động của thị trường. Vì hoạt động của THT có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi nên thu hút được nhiều người tham gia.
Có thể nói, hoạt động hiệu quả của THT có đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà, nâng cao thu nhập cho tổ viên, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là đa số THT hiện nay thành lập tự phát chưa đúng trình tự, thủ tục.
Cơ chế quản lý lỏng lẻo, gặp khó khăn trong giao dịch tín dụng để đầu tư phát triển ở quy mô lớn. Trong khi đó chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thông tin thị trường. Vậy nên, tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho THT phát triển là vấn đề cần được đặt ra trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, để khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất nông nghiệp, địa phương đã thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho 37 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, với tổng số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng.

Cỏ Ghile (còn gọi là cỏ ngọt) được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng nhập giống từ Trường Đại học Nông - Lâm nghiệp Thái Nguyên từ cuối năm 2013, triển khai trồng mô hình tại xã Ngối Cáy. Giống cỏ này được sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, dê, thỏ và cá, có những ưu điểm vượt trội so với cỏ voi và cỏ VA06 khi hệ số sử dụng đạt 100% bởi thân mềm, có vị ngọt mát.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, vụ đông năm nay toàn tỉnh có kế hoạch xây dựng 28 cánh đồng mẫu tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh, tăng 15 cánh đồng so với vụ ĐX 2013-2014.

Không có mặt bằng, không nghề nghiệp, không có vốn nhưng nhờ đam mê hoa lan và mạnh dạn đầu tư đã giúp gia đình chị Lê Thị Hồng Hạnh (thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) có được cơ ngơi khang trang, con cái đều học tập thành đạt và đã tạo được uy tín cho nhiều khách hàng.

Cây lúa là cây trồng chính của tỉnh Quảng Nam, diện tích gieo trồng vụ hè thu có khoảng 44.000 ha, trong đó khoảng trên 5.000 ha đất lúa không chủ động nước, sản xuất kém hiệu quả cần được chuyển đổi.