Hiệu Quả Dự Án Ngân Hàng Bò

Với lợi thế điều kiện chăn nuôi thuận lợi, việc hỗ trợ bò cho người dân miền núi đã mang lại kết quả khả quan. Dự án này đang được tiếp tục nhân rộng, huy động các nguồn lực xã hội để giúp người dân miền núi thoát nghèo.
Vợ chồng anh Bhnước Tư ở thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) là một trong số 20 hộ dân nghèo của xã được hỗ trợ bò giống từ dự án giúp đỡ người dân thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2010.
Qua thời gian chăn nuôi, từ một con bò giống ban đầu gia đình anh chị đã có thêm 4 con bê. Chị Alăng Thị Bíp (vợ anh Tư) cho biết, vừa rồi gia đình bán hai con bò được hơn 15 triệu đồng, thêm tiền vào sửa nhà, mua ti vi. Bao năm mơ ước làm cái nhà cho vững vàng nay mới thành hiện thực.
Ông Bhnước Báo – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Jơ Ngây cho biết, do địa bàn rộng, lượng cỏ tự nhiên dồi dào, nhất là ngay trong vườn mỗi hộ dân có thể đủ cỏ cung cấp quanh năm nên việc nuôi bò khá thuận lợi. Không riêng gì gia đình anh Tư, ở đây nhiều hộ dân được hỗ trợ bò, kinh tế gia đình dần khá lên. Điều đáng mừng, để tránh những rủi ro trong chăn nuôi, chính quyền địa phương đã có sáng kiến kêu gọi người dân cam kết trách nhiệm.
Bản cam kết được dán ngay trước cửa mỗi nhà dân, trong những điều khoản cam kết có nêu cụ thể việc chăn nuôi với mỗi gia đình phải được làm chuồng trại, không thả rông, sáng đưa ra vườn ra núi chăn thả thì chiều tối phải đón về chuồng trại. Vì quyền lợi liên quan trực tiếp đến mỗi người dân nên những hộ được nhận nuôi bò đều chấp hành nghiêm túc.
Trao đổi với chúng tôi về dự án hỗ trợ bò cho người dân ở địa phương, ông Lê Văn Hai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Giang cho biết, dự án “ngân hàng bò” giúp người nghèo miền núi Đông Giang được khởi động với 70 con bò thực hiện ở xã Ba, A Ting, Jơ Ngây đến nay qua kiểm tra cho thấy hiệu quả mang lại rất thiết thực.
Không ít hộ dân chưa được hỗ trợ cũng mong muốn có được bò để chăn dắt, học theo cách làm ăn của những hộ đã có bò. Anh Alăng Lời – thôn Bút Tưa, xã Jơ Ngây nói: “Chừ mình chỉ thích con bò thôi, có bò mới có thể làm ăn khấm khá được”.
Cảm động trước suy nghĩ thật thà của anh Lời, ông Phạm Phú Phương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Bàn (đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang) cho biết trong năm 2014 sẽ vận động giúp huyện Đông Giang 20 con bò, gia đình anh Lời sẽ là một trong số 20 gia đình đầu tiên được hỗ trợ bò cho mục đích sinh kế, thoát nghèo.
Trong năm 2014, dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trương tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ vận động 250 con bò giúp đồng bào nghèo 9 huyện miền núi. Hiện các huyện, thành hội trong tỉnh huy động nguồn lực cho chương trình với tinh thần khá tích cực.
Đáng mừng, thời điểm này huyện Đại Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành kế hoạch vận động được 20 con bò giúp huyện kết nghĩa Nam Giang. Ông Thái Văn Quang – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đại Lộc cho biết, trong tháng 5 tới đây 20 con bò giống sẽ trao tận tay người dân.
Được biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã vận động được gần 600 triệu đồng trong chương trình dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo. Với phương châm lấy hiệu quả làm thước đo, hy vọng dự án sẽ huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, giúp được nhiều người dân thoát nghèo, tìm được sinh kế bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong 2 tuần qua, dịch tai xanh đã xuất hiện tại 6 tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lao động trực tiếp trên biển ngày càng ít, trong khi số lượng tàu thuyền ngày càng tăng, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm "bạn" đi biển, đây là một thực trạng đang xảy ra ở nhiều vùng biển trong tỉnh Quảng Ngãi.

Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa giao Cục Thú y căn cứ vào tình hình thực tế của dịch cúm gia cầm quyết định cấp vắcxin từ nguồn dự phòng để các địa phương tiêm phòng chống dịch khẩn cấp các ổ dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh trong việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu về giống cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.