Hiệu Quả Dự Án Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím

Những năm gần đây, việc cải tạo một số cây trồng như: Nhãn, xoài, bơ bằng công nghệ ghép mắt cành đã phát huy tối đa về năng suất, chất lượng và tạo lợi thế về giá trị hàng hoá.
Tại Mộc Châu (Sơn La), các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương pháp ghép cây cà chua trái vụ trên cây cà tím tạo ra giống cà chua năng suất, chất lượng phù hợp với thị hiếu thị trường.
Hiện nay, ngoài một số xã Chiềng Hắc, Đông Sang, Mường Sang ở Mộc Châu; nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng đang tiến hành trồng cà chua trái vụ bằng phương thức gieo hạt truyền thống. Nhưng để sản xuất cà chua trái vụ, các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc xử lý bệnh héo xanh làm giảm năng suất.
Khắc phục nhược điểm này, năm 2013, Công ty CP GreenFarm, trụ sở tại Mộc Châu đã triển khai thực hiện dự án “Cà chua ghép trên gốc cây cà tím” tại bản Áng 1, xã Đông Sang.
Đây là tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm Phát triển rau châu Á (AVRDC - Taiwan) chuyển giao cho Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam từ năm 1998 và đã thử nghiệm có kết quả ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tại Mộc Châu, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đề tài thử nghiệm đã thành công, được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu, hiện nay Công ty cổ phần GreenFarm đang tiến hành sản xuất, chuyển giao và cung cấp giống cà chua ghép trên cây cà tím cho nông hộ theo yêu cầu.
Thạc sĩ Trương Văn Dư, Giám đốc Công ty CP GreenFarm, cho hay: Cây cà chua ghép sử dụng bộ rễ của cà tím nên cây khoẻ, sinh trưởng tốt, chịu được úng ngập, kháng bệnh héo rũ, vi khuẩn, xoăn lá… hơn hẳn cà chua không ghép; năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Anh Lê Văn Các, bản Áng 1, xã Đông Sang (Mộc Châu) phấn khởi: Gia đình tôi chuyển đổi từ gieo hạt sang trồng cà chua ghép trên gốc cà tím vào năm 2013, quy mô 1.500 cây. Năm nay, gia đình tôi đã nhân lên 3 vạn cây và trồng trên diện tích 1,5 ha. Cây cà chua ghép trên cây cà tím cho thu hoạch kéo dài, năng suất cao hơn cà chua thường từ 1,5 - 2 lần, giá bán tại vườn đạt 13.000 - 15.000 đồng/kg. Dự kiến năng suất vụ này vào khoảng 90 tấn quả/ha.
Theo khảo sát tại một số địa phương, cho thấy cà chua ghép trên cây cà tím trồng ngoài trời cho năng suất từ 70 - 90 tấn quả/ha, còn trồng trong nhà lưới hoặc nhà kính đạt khoảng 190 - 210 tấn quả/ha. Năng suất, sức đề kháng cao, ưu thế của cà chua ghép trên cây cà tím trồng trái vụ, đó chính là những lợi thế mà cà chua trồng chính vụ không có được.
Việc cây cà chua ghép trên cây cà tím trồng ở Mộc Châu đang phát huy hiệu quả kinh tế, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất...
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức trao Chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho Hợp tác xã chè Tân Hương, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Tân Cương) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Nhà Thờ (Phúc Trìu).

Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...

Mới gặp tôi, ông Vương Khánh Hùng ở xã Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) đã chia sẻ: “Sống ở vùng úng trũng, chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng quanh năm lại thường xuyên bị lũ lụt nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng với gia đình tôi. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi nghĩ phải “tích tụ” ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng giải quyết nhanh khâu làm đất, đặc biệt là khâu thu hoạch tránh lũ mới có được thu nhập ổn định...”.

Chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng trọt. Do đó, trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị thì ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.