Hiệu quả đánh bắt tăng nhờ tàu cá công suất lớn

Vươn ra biển lớn
Với mỗi ngư dân, việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa là niềm mơ ước. Bởi, nói như bà Võ Thị Lệ Thu-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An: “Khi đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế của ngư dân sẽ tăng lên, sản lượng thu về lớn. Đồng thời cũng khẳng định được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, hạn chế đánh bắt gần bờ sẽ không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng ven biển”.
Ông Tống Quốc Khánh-Trưởng phòng Hành chính-Kế hoạch, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Hiện nay, tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh lên đến 5.462 chiếc, tổng số công suất là 1.005.934CV, trong đó số tàu thuyền dưới 20CV là 1.166 chiếc. Việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn được đông đảo ngư dân hưởng ứng. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có gần 60 chiếc được đóng mới và tổng công suất hiện nay lên đến 1.061.850CV. Hầu hết, bà con ngư dân đã ý thức được việc đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ mang lại nhiều nguồn lợi với họ. Vì vậy khi có những chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn họ rất quan tâm và đăng ký thực hiện…”.
Nâng cao hiệu quả đánh bắt
Đi biển nhiều năm, đánh bắt ở nhiều ngư trường lớn, nhưng do tàu có công suất nhỏ, trang bị thô sơ nên ông Phạm Cặn, ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đánh bắt không hiệu quả. Chính vì thế mà ngay đầu năm 2015, ông đã đầu tư 1,5 tỷ đồng đóng tàu mới có công suất lên đến 400CV. “Hồi trước đi biển bằng tàu nhỏ, công suất nhỏ nên đánh bắt còn nhiều hạn chế. Năm nay tôi quyết định vay tiền ngân hàng rồi đóng tàu mới công suất lớn với mong muốn khai thác, đánh bắt hiệu quả hơn. Trong tháng 6 âm lịch này tôi hạ thủy con tàu lớn ra khơi đánh bắt”- ông Cặn cho biết.
Không riêng gì ông Cặn mà hầu hết ngư dân ở Nghĩa An, Nghĩa Phú và nhiều xã ven biển khác đều mong muốn được cải hoán tàu thuyền để tăng hiệu quả đánh bắt, phát triển kinh tế gia đình. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, ngư dân Nghĩa An đã đóng mới 7 tàu công suất từ 300-400CV. Toàn xã khai thác hải sản đạt tổng sản lượng hơn 26.000 tấn, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Thành Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Tại địa phương, việc cải hoán, nâng công suất tàu thuyền, nâng cao hiệu quả đánh bắt đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Theo đó, sản lượng cũng tăng dần theo từng năm. Hiện nay, xã Nghĩa Phú có 241 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 7.689CV, tăng 2.415CV so với năm 2014”.
Theo thống kê của Cục Thống kê Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng đánh bắt toàn tỉnh đạt 76.378 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Qua thống kê và báo cáo của các phòng ban thì sản lượng đánh bắt của các địa phương tăng đều qua các năm. Cụ thể, tổng sản lượng đánh bắt năm 2014 đạt 156.373 tấn, tăng 6,8% so với năm 2013. Do ảnh hưởng nhiều yếu tố nên việc đánh bắt ở các ngư trường của ngư dân luôn gặp khó khăn. Tuy nhiên sản lượng thủy sản vẫn tăng trưởng đều qua các năm và luôn giữ mức ổn định”, ông Bùi Ngọc Dưỡng-Trưởng phòng Thống kê-Tổng hợp Cục Thống kê tỉnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Trong thời gian gần đây, bệnh trên cây mì liên tục xảy ra, nên hầu hết người trồng khoai mì trên địa bàn xã chọn phương án trồng cây tràm ghép cao sản để cải tạo đất, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thương lái mua tại đám từ 60 triệu đến 65 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu chỉ trồng khoai mì, 1ha đất chỉ đạt hơn 20 triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Trang, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) trồng 30 nghìn gốc măng tây từ tháng 10 - 2013 với diện tích hai ha, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, đến nay đang có nguồn thu ổn định 2,5 triệu đồng/ngày.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đã có bước tăng trưởng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhưng đang có nhiều tiềm ẩn bất trắc. Vì vậy, việc khai phá các thị trường khó tính đang được ngành nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) Việt Nam hết sức quan tâm.

Ngày 12/8/2014, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh trao giấy chứng nhận VietGAP sản phẩm măng cụt cho Hợp tác xã Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè và sản phẩm quýt đường cho Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long. Đến nay, Trà Vinh đã có 3 sản phẩm trái cây sản xuất đạt chuẩn VietGAP là măng cụt, quýt đường và thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long.

Quản lý dịch chổi rồng ở ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Đó là nhận định chung được đưa ra tại hội nghị quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua tại Vĩnh Long.