Hiệu quả đánh bắt tăng nhờ tàu cá công suất lớn

Vươn ra biển lớn
Với mỗi ngư dân, việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa là niềm mơ ước. Bởi, nói như bà Võ Thị Lệ Thu-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An: “Khi đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế của ngư dân sẽ tăng lên, sản lượng thu về lớn. Đồng thời cũng khẳng định được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, hạn chế đánh bắt gần bờ sẽ không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng ven biển”.
Ông Tống Quốc Khánh-Trưởng phòng Hành chính-Kế hoạch, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Hiện nay, tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh lên đến 5.462 chiếc, tổng số công suất là 1.005.934CV, trong đó số tàu thuyền dưới 20CV là 1.166 chiếc. Việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn được đông đảo ngư dân hưởng ứng. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có gần 60 chiếc được đóng mới và tổng công suất hiện nay lên đến 1.061.850CV. Hầu hết, bà con ngư dân đã ý thức được việc đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ mang lại nhiều nguồn lợi với họ. Vì vậy khi có những chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn họ rất quan tâm và đăng ký thực hiện…”.
Nâng cao hiệu quả đánh bắt
Đi biển nhiều năm, đánh bắt ở nhiều ngư trường lớn, nhưng do tàu có công suất nhỏ, trang bị thô sơ nên ông Phạm Cặn, ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đánh bắt không hiệu quả. Chính vì thế mà ngay đầu năm 2015, ông đã đầu tư 1,5 tỷ đồng đóng tàu mới có công suất lên đến 400CV. “Hồi trước đi biển bằng tàu nhỏ, công suất nhỏ nên đánh bắt còn nhiều hạn chế. Năm nay tôi quyết định vay tiền ngân hàng rồi đóng tàu mới công suất lớn với mong muốn khai thác, đánh bắt hiệu quả hơn. Trong tháng 6 âm lịch này tôi hạ thủy con tàu lớn ra khơi đánh bắt”- ông Cặn cho biết.
Không riêng gì ông Cặn mà hầu hết ngư dân ở Nghĩa An, Nghĩa Phú và nhiều xã ven biển khác đều mong muốn được cải hoán tàu thuyền để tăng hiệu quả đánh bắt, phát triển kinh tế gia đình. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, ngư dân Nghĩa An đã đóng mới 7 tàu công suất từ 300-400CV. Toàn xã khai thác hải sản đạt tổng sản lượng hơn 26.000 tấn, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Thành Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Tại địa phương, việc cải hoán, nâng công suất tàu thuyền, nâng cao hiệu quả đánh bắt đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Theo đó, sản lượng cũng tăng dần theo từng năm. Hiện nay, xã Nghĩa Phú có 241 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 7.689CV, tăng 2.415CV so với năm 2014”.
Theo thống kê của Cục Thống kê Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng đánh bắt toàn tỉnh đạt 76.378 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Qua thống kê và báo cáo của các phòng ban thì sản lượng đánh bắt của các địa phương tăng đều qua các năm. Cụ thể, tổng sản lượng đánh bắt năm 2014 đạt 156.373 tấn, tăng 6,8% so với năm 2013. Do ảnh hưởng nhiều yếu tố nên việc đánh bắt ở các ngư trường của ngư dân luôn gặp khó khăn. Tuy nhiên sản lượng thủy sản vẫn tăng trưởng đều qua các năm và luôn giữ mức ổn định”, ông Bùi Ngọc Dưỡng-Trưởng phòng Thống kê-Tổng hợp Cục Thống kê tỉnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản đã và đang được xã hội quan tâm, nhất là người tiêu dùng. Trong đó rau ăn lá, củ, rau gia vị là thế mạnh của tỉnh với sản lượng khá lớn, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.

Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.

Trước tình hình khó khăn đầu ra của các loại hàng hóa nông sản, nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã chịu khó suy nghĩ, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ hơn về thị trường để tổ chức sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, trồng cam xoàn là một thí dụ điển hình.

Khi vài cơn mưa đầu mùa xuất hiện, thị trường cây giống bắt đầu sôi động. Nhà vườn khẩn trương bày bán, đại lý tích cực gom hàng, thương lái náo nhiệt tìm mua cây giống. Đặc biệt, năm nay, tại Chợ Lách (Bến Tre) có thêm một số loại cây sản xuất dành riêng cho nhà vườn khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung như hồ tiêu, bơ, với giá bán khá cao.