Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông

Phú Yên có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, nhưng việc phát triển thủy sản nước ngọt trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chỉ hơn 276ha, với tổng sản lượng khoảng 304 tấn.
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước ngọt cũng như nguồn lao động dồi dào sẵn có tại địa phương, hàng năm Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh các đối tượng thủy sản nước ngọt cho người dân trong tỉnh.
Nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế được nuôi thử nghiệm thành công, thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên ở Phú Yên, như cá bống tượng, trê lai, điêu hồng, rô phi dòng gift, cá lóc, ếch, cá rô đầu vuông… với các hình thức nuôi trong ao đất, bể xi măng phù hợp với từng đối tượng.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mô hình được triển khai trên diện tích ao hồ khoảng 10.000m2, với 13 hộ nông dân tham gia, thả nuôi hơn 100.000 con giống, cỡ giống 250 con/kg.
Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị con giống và 30% giá trị thức ăn, vật tư khác. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên phối hợp với chính quyền địa phương nơi triển khai mô hình tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Sông Hinh. Bà con tham gia lớp tập huấn được hướng dẫn cách cải tạo ao, gây màu nước, chọn, thả giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi. Đến nay, sau hơn 4 tháng nuôi, cỡ cá thương phẩm đạt bình quân 10 con/kg, tỉ lệ sống đạt 77%.
Với giá bán cá thương phẩm hiện nay thấp nhất khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 41 triệu đồng/ha ao nuôi. Kết quả bước đầu của mô hình đã khẳng định cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên tại Phú Yên. Cá ít bị bệnh, vốn đầu tư thấp, có thể nuôi ở nhiều quy mô khác nhau, ít tốn công chăm sóc, thức ăn có thể tự chế biến tại hộ gia đình bằng cách tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp.
Từ thành công bước đầu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã tổ chức cho nhiều bà con nông dân tham quan học tập để nhân rộng mô hình. Thấy được lợi ích của việc nuôi cá rô đầu vuông, hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư vốn nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm.
Việc nhân rộng mô hình này sẽ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, sử dụng có hiệu quả ao hồ nước ngọt sẵn có tại địa phương và lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Từ năm 2013 đến nay các vùng rau tại Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" được người dân gọi là "siêu nhân". Đây là đối tượng gây hại khá nghiêm trọng cho nhiều cây rau, hoa, dâu tây.

Sáng 12-10, tại hội nghị giao ban xuất khẩu chín tháng của năm 2015 diễn ra ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ lo lắng khi cho rằng hoạt động xuất khẩu trong ba tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhờ liên kết chặt chẽ với một công ty trên địa bàn mà nông dân Trần Trung Thứ (52 tuổi, Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã vươn lên làm giàu với việc trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu sang Nhật.

Những ngày qua, các hộ dân sống ven đầm Thủy Triều thuộc bắc bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đều rất phấn khởi trước vụ nuôi hải sâm năm nay được mùa.

Ngoài canh tác các loại giống lúa mới, ông Pinăng Bưu, ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, H.Bác Ái (Ninh Thuận) còn gieo thêm diện tích lúa rẫy để lưu giữ nguồn giống truyền thống của dân làng.