Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Ngựa Và Rong Sụn Kết Hợp Ở Cam Ranh (Khánh Hòa)

Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.
Gia đình ông Lê Văn Hoàng, phường Cam Phúc Bắc, Tp Cam Ranh vốn gắn bó với nghề trồng rong sụn hàng chục năm nay. Sau mỗi lần trồng và thu hoạch rong, nhận thấy có nhiều con cá ngựa tự nhiên xuất hiện trên diện tích trồng rong của gia đình, ông Hoàng đã nảy ra ý tưởng thử nuôi cá ngựa kết hợp với trồng rong sụn.
Nghĩ là làm, năm 2013 ông Hoàng mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng để mua 1500 con cá ngựa về thả nuôi. Sau 2 tháng nuôi, số cá ngựa trên phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Với giá bán 80.000 đến 100.000 đồng/con (dài từ 12 đến 14 cm), năm đầu tiên ông Hoàng đã thu lãi được trên 60 triệu đồng từ nuôi cá ngựa.
Ông Lê Văn Hoàng chia sẻ lần đầu ông nuôi khoảng 1500 con, sau đó thất thoát chết khoảng 400 – 500 con, còn thu hoạch trên dưới ngàn con.
Bình quân bán cá ngựa từ 80.000 đến 100.000/con mà không có sản phẩm để bán. Cá ngựa không phải chăm sóc, còn rong sụn đúng vụ tháng 8, tháng 9 thì bệnh tật rất ít, còn trái vụ như tháng 2, 3, 4 thì hay bị bệnh sán lông, dân gian gọi là lông chó, hoặc là bị đốn thân nên qua tháng đó thì tạm thời ngưng trồng rong sụn.
Ngoài cá ngựa, mỗi năm gia đình ông Hoàng còn thu được khoảng 250 đến 300 triệu đồng từ trồng rong sụn. Theo ông Hoàng, cả rong sụn và cá ngựa đều trồng và chăm sóc rất đơn giản, không tốn tiền phân bón và thức ăn, chúng tự tìm nguồn dinh dưỡng và thức ăn trong nước biển để sinh trưởng và phát triển. 2 loài nuôi này cũng rất ít dịch bệnh.
Hiện nay, để trồng một sào rong sụn người dân phải đầu tư khoảng 40 triệu đồng; sau một tháng, cây rong bắt đầu cho thu hoạch khoảng 4,5 đến 5 tấn rong/ha. Giá bán ở mức 15.000 đồng/kg rong tươi và 30.000 đồng/kg rong khô. Bình quân một hecta người dân thu lãi khoảng trên 50 triệu đồng. Rong sụn được bắt đầu trồng từ tháng 8 âm lịch hàng năm và thu hoạch cho đến hết tháng 2 âm lịch năm sau.
Ông Trương Văn Sa Tăng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc – TP Cam Ranh cho biết mô hình cá ngựa kết hợp với rong rụn được ông Hoàng phát hiện tình cờ, Hội nông dân thấy đây là việc làm đầy tính sáng tạo của bà con nông dân trong quá trình thực tiễn nuôi trồng và đúc kết. Riêng mô hình cá ngựa kết hợp rong sụn tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật năm 2013 được giải khuyến khích. Địa phương đánh giá rất cao về nội dung này vì nó giúp hộ nghèo cải thiện kinh tế.
Hiện nay, ngoài trồng rong sụn và nuôi cá ngựa kết hợp, ông Hoàng còn nuôi thêm sò. Cả 3 loài này đều sống hợp với nhau nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả cao. Điều đáng mừng là sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi, thậm chí không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Đặc biệt mới đây, ông Hoàng đã ký được hợp đồng cung ứng rong sụn cho một công ty thu mua tại Ninh Thuận. Nhờ đó mà sản phẩm rong sụn của gia đình ông và những hộ dân trong vùng được tiêu thụ ổn định hơn, không bị tư thương ép giá như trước.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân các xã Phú Cường, Phú Thọ và Phú Thành B (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang bước vào thu hoạch dưa hấu vụ hè thu năm 2012. Với giá bán từ 3.600 - 5.000 đồng/kg, năng suất đạt bình quân 3 tấn/ha, người dân trồng dưa có lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/ha.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang vừa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước triển khai dự án hỗ trợ khóm giống chất lượng cao cho hộ nghèo thay thế cho giống khóm cũ đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Kinh phí 600 triệu đồng do dự án QSAEP Tiền Giang tài trợ.

Mô hình lúa - tôm càng xanh phát triển mang tính bền vững cho ra những sản phẩm sạch. Trong quá trình chăm sóc và quản lý, bà con nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề

Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam