Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Cao Từ Cây Mãng Cầu Xiêm

Hiệu Quả Cao Từ Cây Mãng Cầu Xiêm
Ngày đăng: 09/12/2013

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mãng cầu xiêm đã "bén duyên" và ngày càng phát triển mạnh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Chính loại cây này góp phần lớn mang lại ấm no trên vùng đất cù lao đầy phèn - mặn này.

Trước đây, người dân Tân Phú Đông chỉ biết đến cây lúa, cây dừa. Thế nhưng, từ khi trồng thử nghiệm cây mãng cầu xiêm (ghép từ thân cây bình bát) có hiệu quả kinh tế cao, các ngành chức năng, ngành nông nghiệp đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm.

Có thị trường tiêu thụ lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao nên diện tích ngày càng tăng. Đến nay, Tân Phú Đông đã có trên 500ha mãng cầu xiêm (gần 400ha đang cho trái) tập trung nhiều tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh… Dự kiến, đến năm 2016 diện tích mãng cầu xiêm của Tân Phú Đông có thể đạt 600ha và trở thành cây ăn trái chủ lực của huyện.

Giá mãng cầu xiêm dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện tại hơn 300ha mãng cầu xiêm đang thu hoạch nghịch mùa nhờ kinh nghiệm xử lý của bà con, giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều nhà vườn thu lãi rất cao. Đặc biệt thương lái đến tận vườn để đặt hàng mua khi trái còn nhỏ khiến nhiều nông dân phấn khởi hơn. Một héc-ta mãng cầu xiêm xử lý cho trái mùa nghịch thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng (gấp đôi so với mùa thuận), bỏ xa nhiều loại cây trồng khác.

Ông Hồ Văn Truyền, ấp Tân Xuân, xã Tân Thới, cho biết: Từ khi nắm được thông tin cây mãng cầu xiêm thích hợp trên vùng đất này và làm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông bỏ ngay cây lúa, đốn bỏ nhiều cây dừa để trồng cây mãng cầu.

Nhờ học hỏi kinh nghiệm và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc nên diện tích mãng cầu xiêm của gia đình luôn cho trái nghịch mùa, hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng. "Trồng mãng cầu xiêm lợi nhuận cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Bây giờ, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả, có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe gắn máy và nhiều đồ dùng tiện nghi khác…" - ông Truyền phấn khởi chia sẻ.

Ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, cho biết: "Phú Thạnh là một trong những xã có diện tích trồng mãng cầu xiêm lớn nhất huyện. Trên 30 hộ đã thoát nghèo nhờ trồng loại cây này. Hiện tại, hầu hết người dân trong xã đã chuyển đổi từ lúa, dừa sang trồng mãng cầu xiêm".

Trung bình, mỗi công đất có thể trồng khoảng 50 gốc mãng cầu xiêm. Nếu chăm sóc tốt, sau 2 năm cây bắt đầu cho trái và cho trái ổn định từ 4 năm tuổi trở lên, xử lý đúng cách cây sẽ cho trái quanh năm. Mỗi công mãng cầu xiêm có thể thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng.

Gần 10 năm nay, vùng đất này cũng hạn chế được tình trạng nhiều hộ dân rời quê hương đi làm ăn ở những nơi khác. Anh Trần Văn Chức, xã Tân Phú, chia sẻ: "Trước đây tôi thường tới các khu công nghiệp tìm việc. Nhưng từ khi cây mãng cầu xiêm phát triển mạnh trên vùng đất này, tôi giữ đất và gắn bó với cây mãng cầu. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững".

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: "Chúng tôi luôn khuyến cáo, tìm cách ngăn chặn kịp thời các loại bệnh tấn công cây mãng cầu để bảo vệ vùng chuyên canh 500ha mãng cầu xiêm lớn nhất khu vực ven biển Nam bộ này".

Trước tiềm năng cây mãng cầu xiêm, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và các nơi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật… thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống và phân, thuốc BVTV cho người trồng. Đồng thời, Hội Nông dân huyện cũng có đề nghị tỉnh hội hỗ trợ 500 triệu đồng giúp hộ nông dân muốn chuyển sang trồng loại cây này nhưng đang còn thiếu vốn.


Có thể bạn quan tâm

Hậu quả của lạm dụng canh tác Hậu quả của lạm dụng canh tác

Hàng chục ha thanh long bị thối rễ, teo tóp cành là do nguyên nhân gì? Viện Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu đất, rễ để xét nghiệm…

17/07/2015
Đề nghị Bộ Công Thương lấp lỗ hổng nhập khẩu đường Đề nghị Bộ Công Thương lấp lỗ hổng nhập khẩu đường

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, Tài chính và NN&PTNT đề nghị bổ sung các quy định để có điều kiện quản lý Thông tư 08 về nhập khẩu đường của Bộ Công Thương.

17/07/2015
Tìm giải pháp giúp con tôm phát triển bền vững Tìm giải pháp giúp con tôm phát triển bền vững

6 tháng đầu năm 2015, tình hình tôm nuôi nước lợ từ Bắc tới Nam khá ảm đạm, người nuôi khắp nơi treo ao. Xuất khẩu tôm cũng gặp khó khăn không kém. Tìm giải pháp giúp dân, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị… được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bạc Liêu chiều 13-7.

17/07/2015
Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Chuột Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song Chuột

Cá Song Chuột hay còn gọi là cá mú chuột, là một loài cá biển có chất lượng thịt ngon, khi nuôi hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, thích ứng tốt với các điều kiện môi trường và có giá bán cao trên thị trường. Hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là cơ sở duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng con giống cá Song Chuột.

17/07/2015
Qua vụ tôm xuân hè 2015 Qua vụ tôm xuân hè 2015

Những ngày này, đi dọc các vùng nuôi tôm công nghiệp nằm ở ven biển thuộc các xã Bạch Long, Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy - Nam Định); Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… chúng tôi bắt gặp các hộ nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, đổ ra các ao đầm miệt mài kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái.

17/07/2015