Hiệu Quả Bước Đầu Từ Việc Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi Trên Đất Nhiễm Mặn Ở Nga Sơn

Tại các xã vùng biển của huyện Nga Sơn, hiện tượng nước mặn xâm nhập thường xuyên diễn ra nên một số diện tích cói ở các xã: Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến trong đê Ngự Hàm 3 và ở triền sông Lèn; đất ngoài đê xã Nga Điền ảnh hưởng của đắp đập tạm sông Càn nên thiếu nước tưới, khó khăn cho sản xuất, năng suất không cao, diện tích đất bị hoang hóa có nguy cơ mở rộng...
Nhiều diện tích cói đã được đầu tư cải tạo những năm trước, gần đây có nguy cơ tái hoang trở lại. Trong bối cảnh đó, huyện lại luôn tồn đọng hàng nghìn tấn cói nguyên liệu, khó tìm đầu ra. Người trồng cói Nga Sơn từng “lao đao” khi thị trường xuất khẩu cói Trung Quốc dần đóng cửa.
Việc canh tác cói trên đất nhiễm mặn ở các xã ven biển Nga Sơn trong những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 17-4-2013, UBND huyện Nga Sơn đã ban hành Quyết định số 25 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả. Huyện coi đây là nhiệm vụ chính trị, chỉ đạo các đơn vị, các xã thực hiện nghiêm túc; đồng thời, thành lập ban chỉ đạo cấp huyện về vấn đề này để thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo khắc phục các vấn đề phát sinh...
Ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện đã khảo sát và quyết định chuyển đổi 175,08 ha đất cói ở các xã ven biển sang canh tác các giống lúa có khả năng chịu mặn, như: VT404, C.Ưu đa hệ số 1...
Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn: Vụ mùa năm 2013, toàn huyện đã chuyển đổi 59,58 ha đất trồng cói sang trồng lúa, trong đó Nga Điền 10,65 ha, Nga Phú 25,27 ha, Nga Thái 23,66 ha. Vụ xuân năm 2014, huyện tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi được 115,5 ha, trong đó: xã Nga Điền 30 ha, Nga Thái 10 ha, Nga Tiến 75,5 ha.
Để tạo sự đồng thuận cao của các hộ dân, huyện hỗ trợ 70% kinh phí làm đất cải tạo đất cói chuyển sang đất cấy lúa, tương đương 6,3 triệu đồng/ha, tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ cách làm trên, vụ mùa 2013, diện tích lúa được chuyển đổi từ đất trồng cói đạt năng suất 55 tạ/ha. Vụ xuân năm 2014, năng suất lúa tiếp tục được nâng lên 65 tạ/ha, riêng xã Nga Tiến bố trí bằng giống lúa C.Ưu đa hệ số 1, năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha.
46 ha đất nhiễm mặn trồng cói tại Nga Tân (35 ha), Nga Tiến (5 ha), Nga Thủy (6 ha) cũng đã được nhân dân các xã đầu tư, chuyển sang trang trại tổng hợp kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Các trang trại này đã cho thu hoạch, đồng thời mang lại kỳ vọng tạo ra sự đột phá đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nhiễm mặn của Nga Sơn.
Các cơ chế hỗ trợ kịp thời, thiết thực của huyện từ chương trình cải tạo đất nhiễm mặn vẫn đang tạo được “hiệu ứng” tốt từ cơ sở.
Với số tiền đã hỗ trợ, xã Nga Tiến đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp các công trình phục vụ sản xuất, như: 6 cống điều tiết tưới tiêu, nạo vét 4 tuyến kênh tiêu gồm kênh Mậu Đức, Xuân Mai, Phú Sơn, Tiến Thành; hỗ trợ cải tạo đất từ trồng cói sang trồng lúa 75,5 ha, với mức 6,3 triệu đồng/ha...
Huyện cũng đã cấp 138 ống cống cho UBND xã Nga Tiến tổ chức lắp đặt tại các bờ vùng để lấy nước; hỗ trợ 100% giống lúa C.Ưu đa hệ số 1 cho nông dân với số lượng 2.861 kg.
Tại xã Nga Tân, huyện cũng đã đầu tư nạo vét 3 tuyến kênh tiêu gồm: kênh Thủy Sản, kênh Trục T3, kênh chân đê Ngự Hàm 2 và lắp đặt 4 cống tiêu, 7 cống tưới để nhân dân an tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ vùng đất nhiễm mặn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục giao Trạm Khuyến nông Nga Sơn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa cho nhân dân các xã chuyển đổi từ trồng cói sang cấy lúa.
Có thể bạn quan tâm

Từ một huyện chỉ độc canh về cây lúa, đến nay huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã có nhiều chuyển đổi tích cực đa dạng hóa về cây trồng, vật nuôi. Các mô hình như: Nuôi lợn nái Móng Cái, nuôi giun kết hợp làm VAC, nuôi trâu bò vỗ béo và trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao đang ngày được nông dân mở rộng. Cùng với nhiều loại hình kinh tế phát triển nói trên, ở huyện Lộc Bình hiện nay còn có những mô hình được nhiều bà con quan tâm cần được nhân rộng đó là: Nuôi gà nhiều cựa thả vườn.

Để nuôi cá lóc, nông dân ở xã Đại An (huyện Trà Cú) không chỉ vất vả đào ao mà họ còn phải cất công khoan giếng lấy nước ngọt nuôi cá. Sau hơn 4 tháng nuôi bà con thu về bạc 100 triệu, cao gấp 50 lần so với trồng lúa.

Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả phân tích 8 mẫu tôm hùm bị bệnh lạ tại thôn Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) cho thấy, 8 mẫu đều phát hiện có trùng lông ký sinh; 7/8 mẫu nhiễm mấm Fusarium (tác nhân gây bệnh đen mang), 5/8 mẫu nhiễm vi khuẩn Vibrio (tác nhân gây hoại tử gan tụy), không phát hiện thấy vi khuẩn ký sinh nội bào Rickettsia-like (tác nhân gây bệnh sữa).

Dak Lak được đánh giá là tỉnh nuôi trồng thủy sản phát triển nhất trong khu vực Tây Nguyên, với diện tích 9 nghìn ha. Năm 2012, sản lượng thủy sản Dak Lak đạt 14.450 tấn, lượng cá bột sản xuất 970 triệu con, nhưng số con giống sản xuất tại chỗ chỉ đạt 46 triệu con, mới đáp ứng được 59% nhu cầu con giống trong tỉnh.