Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Ở Xã Ninh Thới (Trà Vinh)

Bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2013, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có 5 hộ ở 3 ấp Mỹ Văn, Trà Điêu và Rạch Đùi được hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng để đầu tư thả nuôi trên 27.000 con cá lóc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Ngô Thanh Sang, ở ấp Rạch Đùi là một trong 5 hộ được xã Ninh Thới chọn hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình nuôi cá lóc. Trong vụ nuôi đầu tiên này, với diện tích 240m2 anh Sang đầu tư thả nuôi 7.000 con cá lóc giống, trong này Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, 30% phí thức ăn và 30% thuốc phòng trị bệnh. Mặc dù đây là lần nuôi thử nghiệm đầu tiên nhưng được các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được cán bộ kỹ sư nông nghiệp của xã hướng dẫn cách chăm sóc, biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp trên cá lóc nên trong đợt nuôi này cho hiệu quả năng suất tương đối cao.
Sau thời gian 5 tháng thả nuôi đến nay, diện tích cá thả nuôi của anh đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng gần 3 tấn cá thương phẩm và được thương lái đến mua với giá 36.000 đ/kg đối với cá loại I và 25.500 đ/kg đối với cá loại II. Với giá bán này sau khi trừ đi các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước anh còn lợi nhuận trên 09 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hạnh, ở ấp Rạch Đùi, cũng là một trong 5 hộ được xã Ninh Thới chọn đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình cá lóc của xã, trong đợt nuôi này, tận dụng diện tích 320m2 mặt nước ao mương vườn của gia đình anh đầu tư thả nuôi 9.000 con cá lóc giống. Đàn cá của anh phát triển khá tốt, tỉ lệ hao hụt chỉ chiếm khoảng 6% và đến nay đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng hơn 3,7 tấn cá thương phẩm, sau khi bán trừ đi các khoản chi phí anh còn lãi trên 10 triệu đồng.
Cũng theo các hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi cá lóc cho biết, giống cá lóc dễ nuôi, ít bị bệnh, nhẹ công chăm sóc, khả năng sinh trưởng mạnh, ít bị hao hụt, nếu nuôi đúng kỹ thuật cá sẽ lớn nhanh, do xã Ninh Thới có địa hình nằm ven sông Hậu chủ động được nguồn nước nên rất thích hợp cho việc đầu tư nuôi cá lóc.
Ngoài ra, cá lóc có đặc tính là thích ăn loại thức ăn tươi sống nên ngoài việc sử dụng thức ăn công nghiệp thì nguồn các loại cá vụn thu mua từ những hộ dân hành nghề đóng đáy, chài lưới đánh bắt thủy sản ở địa phương đem về chế biến để bổ sung thêm nguồn thức ăn tươi cho cá là rất thích hợp, giảm được chi phí đầu vào.
Đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá lóc, đồng chí Tô Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thới cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc còn mới đối với người dân ở xã Ninh Thới, qua tìm hiểu bà con đã thu hoạch thì hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Hướng tới Ban Quản lý sẽ tham mưu cho Thường trực Đảng ủy cũng như Ban Chỉ đạo thông qua các tổ chức đoàn thể vận động bà con mạnh dạn đầu tư nuôi cá lóc, nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời, từng bước giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 10 về thu nhập”.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá lóc ở xã Ninh Thới rất cần được phát triển nhân rộng để bà con nông dân trong huyện đến tham quan học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào thực tế của gia đình. Mô hình nuôi này khá đơn giản, không cần diện tích lớn, thích hợp cho bà con nghèo có ít đất canh tác và cũng là một trong những phương thức góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Đây là mô hình sản xuất mới không chỉ giúp cho sản phẩm sạch sẽ, an toàn và có giá trị dinh dưỡng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề.

Mưa dầm làm cho trà lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ trên diện rộng. Nước ngập, lúa không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thu hoạch thủ công. Các khoản chi phí không ngừng leo thang trong khi hạt lúa làm ra kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm. Nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước mương, vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng bởi ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định công tác quản lý giống thuỷ sản là vấn đề trọng tâm, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã triển khai công tác kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất giống. Qua đó, tình trạng tự gia hóa tôm thẻ chân trắng bố mẹ ở một số doanh nghiệp đã được phát hiện và chấn chỉnh.

Mô hình ương nuôi cá lóc giống thời gian gần đây phát triển rất mạnh ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân của tỉnh An Giang. Điều đáng lưu ý là ở nhiều vùng nông thôn đang rộ lên phong trào lấy đất nông nghiệp để đào ao, vuông thả cá lóc.