Hiến kế xử lý vỏ ốc bươu vàng

Vỏ ốc bươu vàng được người dân thiêu đốt tận dụng làm phân bón.
Nếu trước đây, đến xã Tân Phú có thể thấy những núi vỏ ốc bươu vàng bị đổ tràn lan dọc các con đường, các tuyến kênh.
Một thời gian dài, nó trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây và các xã lân cận, vì mùi ô nhiễm từ vỏ và phần ruột không lấy ra hết từ ốc bươu vàng, đó là chưa kể khối lượng vỏ ốc cứ được người dân đổ xuống kênh gây ô nhiễm môi trường nước.
Nhưng hiện nay tình trạng trên đã có giải pháp xử lý và bước đầu đem lại hiệu quả.
Được địa phương giới thiệu là hộ dân đầu tiên phát hiện được lợi ích từ vỏ ốc, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Xe, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú.
Bước vào vườn cam xoàn đã hơn 2 năm tuổi, ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi thấy là thân cây tươi tốt, xanh mượt đang thời kỳ cho trái.
Ông Xe chia sẻ: “Cách đây hơn 1 năm, khi thấy vỏ ốc bươu vàng tràn ngập khắp nơi.
Khi ấy địa phương vận động bà con trong xã tập kết ở những khu vực xa nhà rồi tiến hành đốt bỏ để hạn chế thải ra kênh rạch.
Lúc đó tôi thấy tiếc quá nên nghĩ cách “biến cái bất lợi thành cái có lợi”, biến tro ốc thành phân bón cho vườn cam của mình.
Chỉ với một vài cây thử nghiệm, ai ngờ cây phát triển rất tốt.
Thế là từ đó, tôi xin vỏ ốc của các điểm thu mua để đốt làm phân bón”.
Theo ông Xe, từ khi nhận thấy lợi ích từ vỏ ốc, vào mùa mưa thì ông dự trữ lại để vào những tháng mùa khô tiến hành đốt để ủ phân.
Để hạn chế mùi hôi trong quá trình chứa, ông cũng tiến hành khử mùi bằng vôi bột hoặc đốt để hạn chế phần nào.
“Từ khi dùng vỏ ốc bươu vàng làm phân bón đến nay, hơn 1 công vườn của tôi đã không còn bón phân đạm vô cơ nữa.
Dù chưa biết năng suất vườn như thế nào so với vườn bón phân hóa học, nhưng trước mắt so với trước đây, tôi không còn tốn chi phí phân bón cho vườn cam của mình mà cây trồng phát triển rất tốt.
Hiện tại, gia đình đã mở rộng thêm 2 công vườn và cũng tiếp tục sử dụng phân bón từ vỏ ốc để tiết giảm chi phí”, ông Xe bộc bạch.
Theo kinh nghiệm của ông Xe, tro ốc có rất nhiều lợi ích như: giúp đất tơi xốp, hạ phèn.
Thế nhưng, ngay thời điểm cây đang kết hoa thì không nên bón tro ốc vì sẽ làm giảm tỷ lệ đậu trái dẫn đến năng suất thấp.
Chính vì thế, bà con phải đợi đến khi trái trên cây đã tượng hình thì mới tiếp tục sử dụng phân từ vỏ ốc.
Theo UBND xã Tân Phú, từ khi phong trào thu mua ốc bươu vàng phát triển rầm rộ, mấy năm trở lại đây, không ít gia đình đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Thế nhưng, kèm theo sự phát triển về mặt kinh tế thì hệ lụy của nó là việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Nếu chỉ tính 3 điểm thu mua ốc bươu vàng ở ấp Tân Hòa thì trung bình mỗi ngày có đến 3 tấn vỏ ốc thải ra môi trường nước mặt.
Để giảm thiểu tình trạng này, thời gian qua chúng tôi đã vận động người dân dành một khu vực riêng biệt xa nhà để đổ vỏ ốc, đồng thời khuyến cáo người dân rải vôi bột để hạn chế mùi hôi.
Tuy nhiên, vì quá nhiều và người dân không tự giác thực hiện.
Thậm chí, bản thân tôi còn trích tiền của mình để mua vôi bột cho người dân rải, hạn chế mùi hôi nhưng cũng không xuể.
Thế nhưng đến nay, từ khi có giải pháp trên, tình trạng này đã được cơ bản giải quyết.
Dù giải pháp trên chưa được gọi là hữu hiệu nhất nhưng cũng đã cải thiện phần nào việc ô nhiễm môi trường từ vỏ ốc gây ra”.
Theo bà Hoa, nhờ sáng kiến hữu ích của ông Xe, hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động các hội viên có đất canh tác thì tiến hành thu gom vỏ ốc để thiêu hủy bón cho cây trồng.
Hiện đã có 12 hội viên tiến hành thu gom vỏ ốc tại các điểm thu mua để khi mùa khô đến thì tiến hành thiêu đốt, ủ làm phân bón.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, cho biết thêm: Trước những lợi ích từ vỏ ốc mang lại, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nông dân dùng vỏ ốc bươu vàng làm phân bón cho cây trồng.
Từ đó nông dân sẽ góp phần đáng kể trong việc xử lý vỏ ốc bươu vàng cũng như tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Tuy nhiên, giải pháp là vậy nhưng việc sử dụng phân bón từ vỏ ốc chỉ được người dân sử dụng theo lợi ích trước mắt nên vấn đề cân đối hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây thì trong khả năng của người dân không thể đánh giá được.
Chính vì thế, địa phương rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc nghiên cứu hoặc hướng dẫn người dân sử dụng phân bón từ vỏ ốc một cách thật hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm

Nhóm nghiên cứu Đặng Quốc Cường, Công ty cổ phần BVTV Delta, Cần Thơ; Trương Thị Nga, khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ và Trần Thị Diễm Phúc, Công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ đã nghiên cứu “Hiệu quả sử dụng đất ngập nước trồng lúa để xử lý nước ô nhiễm của ao ươm cá tra”, với mục đích tận dụng lại nguồn dưỡng chất có trong nước thải ao ươm cá tra giống cung cấp cho quá trình phát triển của cây lúa, góp phần hạn chế ô nhiễm nước mặt từ quá trình ươm cá tra giống.

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển trang trại thủy sản thâm canh cao giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Bắc Giang, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng 3 mô hình nuôi cá thâm canh cao tại 3 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa.

Không khuất phục trước khó khăn, bằng sức trẻ, sự siêng năng cần cù cộng với lợi thế đất đai của gia đình, chị Nguyễn Thị Duyên, 34 tuổi, ở xã Cát Minh – huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá và ba ba, tạo thu nhập đáng kể cho gia đình, được nhiều người mến phục.

Với diện tích thả nuôi năm 2014 gần 603 ha, huyện Tam Nông được xem là “thủ phủ” tôm càng xanh (TCX) tại Đồng Tháp.

Nói đến cá bông lau, người ta nghĩ ngay đến sông Vàm Nao. Đây là đoạn sông lớn nhất nối sông Tiền với sông Hậu, gắn với nhiều câu chuyện huyền bí của dân “bà cậu”. Xem săn cá bông lau, rồi chế biến ngay trên dòng sông Hậu, kết hợp với tự tay hái bắp, bẻ cà, thu hoạch ấu… đang trở thành tour du lịch thú vị với những người yêu sông nước.