Hiểm Họa Từ Đánh Bắt Thủy Hải Sản Bằng Giã Cào

Những năm gần đây, tại một số địa phương ven biển ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp giã cào diễn ra phức tạp. Loại hình đánh bắt này không những hủy hoại môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân và tình hình an ninh trật tự trong vùng.
Với diện tích hơn 60km2, có vị trí địa lý tự nhiên lý tưởng và nguồn thủy hải sản phong phú, từ bao đời nay, vịnh Cam Ranh là nguồn sống chủ yếu của nhiều ngư dân địa phương. Tuy nhiên, 4 năm qua, kể từ khi tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương thức giã cào rộ lên, môi trường sống tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đánh bắt các loại thủy hải sản không còn dễ dàng như trước. Vì thế, cuộc sống của hàng ngàn ngư dân trở nên khó khăn hơn. Họ không những mất nguồn thu nhập mà còn bị đe dọa đến tính mạng trong những lần cố gắng ngăn cản hành vi đánh bắt giã cào.
Ông Trần Quang Khanh (xã Cam Lập) kể: “Khoảng tháng 10-2012, toàn bộ lưới của tôi đều bị ghe giã cào cào sạch. Chúng tôi đề nghị các ngành, các cấp có biện pháp can thiệp để ghe giã cào không hoạt động trong vịnh Cam Ranh. Nếu tình trạng này tiếp tục thì cá nhỏ, cá lớn sẽ hết sạch”. Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Hữu Phương (xóm Bãi Lao, xã Cam Lập) cho biết: “Trước đây, tôi đánh bắt cá rất dễ, bây giờ giã cào nhiều quá nên lượng cá đánh bắt được rất ít”. Không riêng anh Phương, 200 ngư dân xóm Bãi Lao cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thời gian qua, chính quyền xã Cam Lập đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng tiến hành tuần tra, ngăn chặn và xử lý các ghe giã cào nhưng không đạt hiệu quả, bởi phương tiện chủ yếu của lực lượng chức năng là huy động những tàu cá công suất nhỏ của ngư dân, trong khi những chiếc ghe giã cào lại có công suất lớn hơn. Bên cạnh đó, theo chính quyền địa phương và nhiều ngư dân xã Cam Lập, hiện nay, trên vịnh có hàng chục ghe sử dụng phương tiện đánh bắt giã cào không nằm trong phạm vi quản lý của xã đang hoạt động. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của chính quyền còn ít và chưa đủ sức răn đe, cùng với nhiều lý do khách quan, chủ quan khác đã khiến cho tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp giã cào ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngư dân địa phương cho biết, trong quá trình hoạt động đánh bắt bằng giã cào, tất cả các loài thủy hải sản từ vùng mặt nước đến đáy sâu dưới tầng lớp cát ở vịnh Cam Ranh đều bị khai thác triệt để. Nếu không có những biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả của các cấp chính quyền và ngành chức năng, các loài thủy hải sản sẽ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, kéo theo đó là nhiều hậu quả khôn lường về môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân địa phương, cũng như những hệ lụy về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Vũ Bình An - Bí thư Đảng ủy xã Cam Lập, lực lượng Công an, Xã đội mỏng, địa bàn rộng; mặt khác, phương tiện để cho các lực lượng này tuần tra không đủ tốc độ và còn hạn chế nên việc kiểm tra, ngăn chặn nạn giã cào ở khu vực vịnh rất khó khăn. Trong khi đó, những người đánh bắt bằng giã cào tại vùng biển Cam Lập lại không phải người địa phương nên việc tuyên truyền, vận động xử phạt hành chính rất khó.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, năm 2014 sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt 14.600 tấn, tăng 6,9% so với năm trước. Lợi thế về sản xuất tôm giống tiếp tục được duy trì, sản xuất và tiêu thụ tôm giống tăng cao, ước đạt 25 tỷ post, đạt 250% KH, tăng 43,7% so năm trước.

Chuyến biển ngắn, sản lượng và giá bán sản phẩm khá cao (110 ngàn đồng/kg), trong khi đó giá xăng dầu giảm mạnh, nên đã giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thuyền viên trên tàu được chia trên 4 triệu đồng, ai cũng phấn khởi. Sắm “tổn” xong chúng tôi tiếp tục ra khơi ngay”.

Lái Thiêu, một trong những vựa trái cây nổi danh nhất Việt Nam, vẫn được xếp chiếu trên với nhiều loại đặc sản, nhưng cũng đang phải vật vã cạnh tranh với hoa quả Trung Quốc giá rẻ.

Tổng Cục Thủy sản vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đây là dịp để những người làm công tác quản lý liên quan đến nguồn lợi thủy sản của các địa phương trao đổi, thảo luận về việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam) trong nuôi trồng thủy sản.

Năm 2030, ngân hàng thế giới (WB) dự kiến Châu Á chiếm 70% nhu cầu thủy sản. Báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới chỉ ra sản lượng thủy sản toàn cầu cần gấp đôi để đáp ứng nhu cầu trong đó tăng trưởng bền vững sản lượng nuôi và các trại nuôi cũng rất quan trọng.