Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Heo Dự Án Chết Hàng Loạt

Heo Dự Án Chết Hàng Loạt
Ngày đăng: 10/09/2012

1 năm qua, nếu nuôi heo thường cũng được 3 lứa, tính trung bình mỗi lứa 5 con, thì lợi nhuận ít nhất cũng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó nuôi heo ky của dự án đã tốn tiền nuôi mà chẳng thấy lợi nhuận đâu...
Từ nguồn vốn 30a, tháng 8.2011, UBND huyện Tây Trà (Quảng Nam) giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi heo ky (heo rừng lai) ở 2 xã Trà Lãnh (50 con/5 dãy chuồng) và Trà Thọ (50 con/5 dãy chuồng), với tổng số vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó tiền xây dựng chuồng trại 690 triệu đồng, tiền mua 100 con heo ky giống là 540 triệu đồng, còn lại là kinh phí tập huấn, mua thức ăn hỗ trợ...

Đến cuối năm 2011, khi hoàn tất nơi nhốt và thả con giống, Trạm Khuyến nông huyện bàn giao lại cho UBND xã theo dõi, quản lý. Ban đầu mỗi dãy chuồng (5 ô/dãy) nhốt 10 con (2 con/ô) và giao cho 10 hộ nuôi chung. “Thế nhưng sau đó 90 hộ bỏ cuộc nên mỗi dãy chỉ còn 1 hộ nuôi” - ông Bùi Dương Khôi - Trưởng trạm Khuyến nông Tây Trà cho biết.
Ông Hồ Văn Giới (thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh) cũng cho biết, 1 năm trước ông được cấp nuôi 10 con heo ky giống, ông than thở: “Dù đã chăm sóc rất kỹ và tốn gần 13 triệu đồng để mua cám cho ăn, thế nhưng heo cứ chết dần. Đến nay chỉ còn lại 4 con, nặng 50-60kg/con và 2 con heo nhỏ vừa đẻ được hơn 1 tháng. Tôi sợ số còn lại sẽ tiếp tục chết nên muốn bán để lấy lại chút ít tiền thức ăn đã bỏ ra, nhưng ngại cán bộ không cho. Giờ không biết phải làm sao với số heo này”.

Theo ông Giới, 1 năm qua, nếu nuôi heo thường cũng được 3 lứa. Tính trung bình mỗi lứa 5 con, thì lợi nhuận ít nhất cũng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó nuôi heo ky của dự án đã tốn tiền nuôi mà chẳng thấy lợi nhuận đâu. Nhiều hộ còn heo ky đã bỏ mặc không chăm sóc để gầy trơ xương. Các ông Hồ Văn Chuẩn, Hồ Văn Thanh sau hơn 4 tháng tham gia dự án, toàn bộ 20 con heo của họ chết sạch, 2 dãy chuồng trại bỏ cỏ dại phủ kín.
Theo UBND 2 xã trên, hiện tại số heo dự án còn lại chưa đầy 30 con. Nguyên nhân heo chết do người dân không quen nuôi theo kiểu nhốt chuồng như thế. Một số khác dù đã được cán bộ trạm tập huấn, hướng dẫn nhưng chăm sóc kém, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo dẫn đến heo chết nhiều.

“Hiện với số heo còn sống, Trạm Khuyến nông cũng không biết phải đề xuất với huyện xử lý ra sao” - ông Khôi bày tỏ. Sự lúng túng này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ nếu đem bán thì số chuồng trại đã xây trị giá gần 700 triệu đồng không biết sẽ sử dụng để làm gì. Nhưng nếu tiếp tục duy trì thì với cách nuôi trên, số heo còn lại khó mà tồn tại.

Có thể bạn quan tâm

Nhức nhối chất cấm trong chăn nuôi Nhức nhối chất cấm trong chăn nuôi

Không chỉ vùng Đông Nam Bộ hay TP HCM, ngay tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng phát hiện rất nhiều chất cấm trong chăn nuôi.

22/10/2015
Nhu cầu sử dụng cà phê thế giới tăng gấp đôi trong vòng 20 năm Nhu cầu sử dụng cà phê thế giới tăng gấp đôi trong vòng 20 năm

Robeiro Oliveira, Giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới đã tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm qua và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai.

22/10/2015
Bưởi da xanh được giá người trồng thu tiền tỷ Bưởi da xanh được giá người trồng thu tiền tỷ

Bưởi da xanh đang có giá cao ngất, người trồng bưởi thu tiền tỷ sau mỗi mùa vụ. Giá bưởi cao, thậm chí khách Tây có tiền cũng chỉ được ăn bưởi loại 2 vì hầu hết đã được tiêu thụ ở thị trường nội địa.

22/10/2015
Nhiều đơn hàng xuất khẩu, giá lúa gạo tăng mạnh Nhiều đơn hàng xuất khẩu, giá lúa gạo tăng mạnh

Những thông tin tốt về xuất khẩu gạo đã khiến giá lúa hàng hóa đang tăng mạnh kể từ cuối tháng 9 đến nay. Người nông dân mừng vui vì lúa được giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đang lo lắng tìm đủ nguồn cung để đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

22/10/2015
 Xuất khẩu chè tụt dốc Xuất khẩu chè tụt dốc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) chè đạt 88 nghìn tấn với kim ngạch 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

22/10/2015