Heo của các doanh nghiệp lớn cũng bị phát hiện có chất tạo nạc

Đây là một trong những nội dung thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận tại buổi họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 8 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) diễn ra chiều 31-8 tại Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM, thông tin từ các cơ quan báo chí về hiện tượng sử dụng chất tạo nạc phổ biến trong chăn nuôi heo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, Bộ NNPTNT đã thành lập một đoàn thanh tra đặc biệt trên diện rộng nhằm kiểm soát tình trạng này.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, qua kiểm tra 227 mẫu thanh tra bộ đã phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm thuộc 7 lô heo có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.
Thực tế kiểm tra cho thấy, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng ở địa phương chưa chặt chẽ, một số chủ trang trại thu gom heo và sử dụng chất cấm để vỗ béo cho heo trong khoảng thời gian từ 5- 30 ngày trước khi xuất chuồng nhằm tăng thêm lợi nhuận.
Không chỉ các hộ nông dân, các trang trại mà ngay cả các công ty lớn cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm. Đoàn thanh tra đã làm việc với hai công ty CP và Anco và kết quả cho thấy cả hai công ty đều chưa kiểm soát được chuỗi cung ứng thịt heo, tạo điều kiện cho việc sử dụng chất tạo nạc, thu lợi nhuận bất chính của nhiều nông dân và thương lái.
Ông Dũng cho hay, đoàn kiểm tra phát hiện CP có 2 trang trại có sử dụng chất cấm. Công ty đã ký hợp đồng không sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi heo nhưng khâu kiểm tra giám sát của công ty không chặt dẫn tới tình trạng một số trang trại vẫn sử dụng chất cấm. Sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, công ty CP đã ra văn bản sẽ kiểm tra tất cả các lô heo trước khi xuất chuồng.
Đối với công ty Anco, công ty giao phiếu tiêm phòng vắc xin và giấy bán cho thương lái nhưng không có biện pháp theo dõi hay kiểm soát. Công ty này cũng không nắm được việc một số thương lái mua heo của công ty về nuôi vỗ béo, sau đó mới xuất bán. Đây là hành vi vi phạm mới của thương lái, đó là mua lại heo xuất chuồng sau đó vỗ béo bằng cách sử dụng chất tạo nạc từ 5-30 ngày. Trong thời gian này, heo có tốc độ tăng trọng rất lớn.
“Anco có tổng đàn 95.000 con heo nuôi tập trung trong một trang trại và mỗi tháng xuất chuồng khoảng 14.000 con heo nên việc kiểm soát này là rất cần thiết” – ông Dũng nói.
"Chúng tôi đã làm việc với hai công ty và đưa ra phương án quản lý là công ty mỗi ngày phải lấy một mẫu nước tiểu và một mẫu thức ăn. Đồng thời, các công ty phải đưa ra cơ chế giám sát heo trước khi xuất chuồng", ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho hay, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng sử dụng chất cấm lại đang có dấu hiệu sử dụng trở lại là do giá heo đang cao khiến nhiều nông dân và thương lái muốn hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng người chăn nuôi chịu áp lực của thương lái để có heo nạc, bắt mắt. Đồng thời, sau thời gian kiểm tra sát sao thì thời gian gần đây, một số địa phương đã sao nhãng quản lý việc sử dụng chất tạo nạc này.
Chất tạo nạc là tên gọi của nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Ba chất tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt.
Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.
Có thể bạn quan tâm

Ngày (2/8), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Công ty Yanmar (Nhật Bản) phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang khánh thành tàu khảo sát và huấn luyện bằng vật liệu composite Yanmar, đồng thời giới thiệu chương trình hợp tác với ngư dân để nâng cao chất lượng cá ngừ.

Vợ chồng anh Lương Văn Luyên (1972) và chị Lang Thị Hà (1970) tại bản Kẹ Lè, xã Châu Hội là những người đầu tiên áp dụng công nghệ nuôi lợn sạch bằng phương pháp ủ men vi sinh nền đệm lót sinh học ở Qùy Châu. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

“Gần 20 năm trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, cái nghề như “đánh bạc” với trời này tôi đã từng có giai đoạn mất trắng, phải bán cả nhà cả cửa” - đó là tâm sự của ông Lương Thanh Phương, chủ trại giống Hải Hoà, phường Hải Hoà (TP Móng Cái, Quảng Ninh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Thanh.

Nhằm thực hiện Dự án nuôi thử nghiệm bò lai chất lượng cao, sáng 19/7, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tổ chức thu mua hơn 60 con bê giống của bà con nhân dân trên địa bàn 3 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân.

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.