Hậu Giang Tiếp Tục Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Người Nuôi Cá Tra

Toàn tỉnh Hậu Giang có 43 trường hợp khách hàng vay vốn nuôi cá tra được gia hạn nợ vay. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Hồ La Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hậu Giang, về vấn đề thực hiện xử lý lại các khoản nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay vốn.
Thưa ông, dư nợ và các khoản nợ quá hạn của khách hàng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn như thế nào ?
- Trên địa bàn Hậu Giang, hiện nay chưa có khách hàng vay nuôi tôm, chỉ có khách hàng vay vốn để nuôi cá tra. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn là 2.098 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu cho vay nuôi cá tra, với dư nợ 1.025 tỉ đồng.
Tổng số khách hàng vay vốn là 884 khách hàng, bao gồm 25 doanh nghiệp và 859 hộ gia đình, trong đó nợ xấu là 147 tỉ đồng, chiếm 7% dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản.
Việc thực hiện xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ được cơ cấu ra sao, thưa ông ?
- Toàn tỉnh có 28,5% dư nợ cho vay thủy sản gặp khó khăn, chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được cơ cấu, gia hạn nợ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện chính sách gia hạn nợ cho khách hàng theo Công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách cấp bách hỗ trợ chăn nuôi và thủy sản.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 540/TTg-TTCP ngày 16/4/2014 về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Đây là tín hiệu vui cho người nuôi tôm, cá tra nói chung và cho người nuôi cá tra Hậu Giang nói riêng.
Theo quyết định này, các ngân hàng (NH) được phép cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu đồng thời ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau với các khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ.
Trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì ngân hàng làm việc với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo, miễn, giảm lãi vay theo quy định.
Về xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, quyết định này quy định các NH trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã để xác định thực tế nhằm khoanh nợ trong thời hạn 3 năm đối với khách hàng. Trong thời gian khoanh nợ, NH tính lãi nhưng không thu của khách hàng.
Nếu sau 3 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng. Trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì NH xử lý theo quy định.
Với chính sách tín dụng mới này sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho khách hàng, giảm bớt áp lực nợ vay trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Hậu Giang đang chờ hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai sớm cho khách hàng trên địa bàn. Theo đó, cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho 27 hộ gia đình và 16 doanh nghiệp do gặp khó khăn chưa trả nợ được ngân hàng, với tổng dư nợ gia hạn 597 tỉ đồng.
Những trường hợp đã cơ cấu nợ, gia hạn nợ, có được tiếp tục vay mới hay không, thưa ông?
- Đối với những trường hợp khách hàng đã được cơ cấu nợ, gia hạn nợ, nếu có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch đầu ra hiệu quả và chứng minh được khoản vay mới không phụ thuộc vào khoản nợ đã gia hạn nợ, xử lý theo Quyết định 540/TTg-TTCP, thì các tổ chức tín dụng được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, giải pháp trước tiên để nuôi cá tra mang lại hiệu quả thì người nuôi cần thiết giảm tối đa mọi chi phí đầu vào.
Xin cảm ơn ông !
Có thể bạn quan tâm

Ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là với tỉnh ta trên 83% dân số sống bằng nghề nông. Càng ý nghĩa hơn khi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Trong 40 năm có lẻ ấy, ông Nguyễn Văn Biền, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương đã chứng kiến bao mùa lúa chín. Với người nông dân xã ông, việc cày sâu, cuốc bẫm thì có thừa, nhưng để thử nghiệm một giống cây trồng mới thì họ còn e dè lắm. Bởi vậy, ông đã tự tìm tòi để đưa giống lúa Hương Việt 3 về với nông dân Thanh Hưng.

Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng hoa An Lạc, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tất bật, bận rộn hơn bao giờ hết. Khác với mọi năm, ngoài những vườn hoa cúc, thược dược, lay ơn truyền thống, năm nay một số gia đình trồng hoa ở An Lạc nắm bắt tâm lý tiêu dùng mới đã tự học cách trồng thêm những giống hoa lạ.