Hậu Giang Sẽ Công Bố Dịch Bệnh Trên Cam Sành

Trước sự lo lắng của người dân về tình hình dịch bệnh ngày càng diễn ra gay gắt trên cây cam sành, nhất là bệnh “vàng đầu” chưa rõ nguyên nhân và biện pháp phòng trị, trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết:
- Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có mời Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Viện Cây ăn quả miền Nam,… đến nghiên cứu dịch bệnh trên cây cam sành và đã khẳng định bệnh do vi-rút tấn công. Tuy đã xác định được là do vi-rút nhưng biện pháp phòng trị rất khó, mặc dù nhà vườn đã dùng nhiều loại thuốc hóa học nhưng kết quả không cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chuyên môn, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500ha diện tích cam sành bị nhiễm bệnh, chủ yếu ở huyện Châu Thành và TX.Ngã Bảy, chiếm gần 20% diện tích cam sành trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang tính đến kế hoạch công bố dịch bệnh trên loại cây trồng này, trên cơ sở đó sẽ có những chính sách hỗ trợ để nông dân có điều kiện phục hồi lại diện tích vườn cam sành bị thiệt hại.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh phát triển mạnh trên cam sành hiện nay ?
- Do việc phát triển mạnh diện tích cam sành, nhu cầu sử dụng cây giống lớn, nhưng các hệ thống cung cấp cây giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh không đủ cung ứng cho bà con, chỉ đáp ứng khoảng 30-40%. Từ đó, nông dân chủ yếu sử dụng nguồn giống trôi nổi bên ngoài là chính nên tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, trong khi ngành chức năng gặp khó trong công tác kiểm soát.
Ngoài ra, trong số 1.500ha diện tích cam sành bị bệnh được chia làm nhiều loại, có loại không phải do vi-rút tấn công mà do việc nông dân phát triển nóng (trồng ồ ạt), lên mô liếp không đảm bảo kỹ thuật về chống ngập úng nên đã xảy ra hiện tượng cam vàng lá từ trên đọt vàng xuống (vàng đầu) và bệnh này đang bùng phát mạnh trên địa bàn TX.Ngã Bảy.
Để hạn chế việc tái diễn tình hình dịch bệnh, trong quá trình phục tráng diện tích cam sành vào thời gian tới, ngành nông nghiệp có những khuyến cáo gì đối với nông dân, thưa ông?
- Sau khi có kế hoạch và công bố dịch bệnh, hỗ trợ cho nông dân xong, trong quá trình phục tráng lại diện tích vườn cam sành, chúng tôi khuyến cáo nông dân phải quan tâm và đặt vấn đề sử dụng nguồn giống chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng lên hàng đầu.
Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ, bà con có thể sử dụng nấm Trichoderma để xử lý, đồng thời kết hợp nâng mô, khai thông cống rãnh thoát nước, chống ngập úng; riêng những diện tích bị nhiễm nặng thì khuyến cáo nhà vườn nên đốn bỏ để tái tạo lại.
Bên cạch đó, hiện nay ngoài việc liên doanh, liên kết với các viện, trường, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất cây giống để nâng tỷ lệ cung ứng nguồn giống sạch bệnh cho bà con thì ngành nông nghiệp còn tiếp tục ban hành quy trình sản xuất cam sành có quy định nghiêm ngặt hơn, tiến bộ hơn từ các viện, trường khuyến cáo để người dân phục hồi lại vùng nguyên liệu cam sành đạt hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán giống cam sành hiện nay của các thương lái ngoài tỉnh, nhưng hơn ai hết vẫn là ý thức người dân phải hiểu và xác định được tác hại khi mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc…
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - Bạc Liêu) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện tượng nghêu chết đồng loạt thời gian qua nay đã giảm đáng kể, chỉ còn xảy ra rải rác ở một vài hợp tác xã (HTX), chiếm tỷ lệ chỉ từ 3 - 4%. Tổng diện tích thiệt hại tại các HTX đến nay khoảng 290 ha, sản lượng thiệt hại 275 tấn, chủ yếu là nghêu thịt kích cỡ từ 30 - 90 con/kg.

Chỉ mới bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2010, nhưng mô hình nuôi cá sấu thịt đã giúp nhiều người dân xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Long An) đổi đời…

Nghề nuôi lươn đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng các hộ nuôi ở An Giang cũng như miền Tây vẫn phải sử dụng con giống khai thác ngoài tự nhiên để nuôi. Từ tận dụng đất quanh nhà ở nông thôn mà nhiều hộ vốn dĩ rất nghèo cũng đã vươn lên làm giàu và những người có mức sống trung bình lại có thêm thu nhập. Điệp khúc “thả lươn vào nuôi là chết” đeo đẳng những hộ nuôi lươn khiến cho nhiều người bỏ cuộc...

Gần 20 năm trước, vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang vốn nổi tiếng là vùng đất "khỉ ho, cò gáy" thiếu vắng bóng người, nơi hoang tàn dành cho cỏ năn, cỏ lác. Thế nhưng, từ khi cây khóm (dứa) xuất hiện và mở rộng diện tích đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này, giúp đời sống người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng.