Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hậu Giang Hướng Đi Mới Cho Người Nuôi Heo

Hậu Giang Hướng Đi Mới Cho Người Nuôi Heo
Ngày đăng: 29/05/2014

Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.

Anh Quách Nghiệp Nám, ở ấp 2, xã Vị Tân là một trong những hộ được hỗ trợ chăn nuôi heo theo cách làm mới từ dự án “Hỗ trợ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2013”.

Anh có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản theo cách truyền thống. Dù đã xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. “Tốn gần 20 triệu đồng làm túi ủ, nhưng tôi thấy không tiện lợi như nuôi heo trên đệm lót.

Bởi, nuôi heo theo cách mới, tôi không phải mất hàng giờ để tắm heo, dọn phân, chất đệm lót cuối cùng còn giúp tôi bổ sung phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái nhà mình hiệu quả”.

Ở huyện Long Mỹ có không ít hộ mạnh dạn làm theo mô hình mới, áp dụng được trong cả khu dân cư. Anh Nguyễn Văn Việt, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã tìm hiểu và chọn mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học từ cải tạo chuồng nuôi heo sẵn có tại một buổi hội thảo ở huyện Long Mỹ. Anh chia sẻ: “Coi vậy chứ ủ đệm lót dễ làm lắm. Nguyên liệu làm chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương.

Chuồng heo của tôi có diện tích hơn 8m2 cần 30 bao trấu và 15 bao mùn cưa, khoảng 5kg cám và 1kg men sinh học (chế phẩm Balasa N01). Với lượng nguyên liệu này tạo ra được lớp đệm lót dày 60cm, số còn lại để phòng khi hao hụt… Tổng chi phí làm chuồng mới và đệm lót chỉ tốn 1,6 triệu đồng. Nếu phải xây chuồng như cách nuôi truyền thống phải lên đến vài triệu đồng, vì tráng nền xi măng.

Để bảo đảm phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, tôi thả heo đúng với mật độ khuyến cáo, trung bình 1 con/1,5m2, tạo cho heo thói quen thải phân, nước tiểu đều khắp ô chuồng, không để chuồng bị dột mưa hay nước từ vòi uống chảy xuống làm ướt đệm lót...”. Với cách làm này, gần tháng nay, việc chăn nuôi của anh vẫn được tiếp tục duy trì thuận lợi dù ở sát vách trường học.

Anh Việt nói: “Trước kia, cứ 4 hay 5 bữa là tôi cứ đi xã hầu đơn kiện của trường học và bà con hàng xóm, vì nuôi heo gây mùi hôi thối. Từ khi tôi thả heo theo mô hình nuôi đệm lót mới thì êm ru. Trái lại, bà con xung quanh còn khen, nuôi heo khéo quá, đến xem, xin tôi chỉ cho để họ học theo”.

Ngoài những lợi ích trên, mô hình mới còn tăng hiệu quả kinh tế thấy rõ cho người chăn nuôi. Với 9 con heo, mỗi lần vệ sinh chuồng, tắm heo, anh Nám phải mất gần 60 phút. Ước tính tiêu tốn gần 1 Kw/h điện chạy mô tưa, bật đèn chiếu sáng. Vì nuôi heo không tắm nên mỗi tháng, hộ anh Nám tiết kiệm được chừng 30 Kw/h điện. Nhẩm tính, sau 4 tháng nuôi, anh tiết kiệm được gần 200.000 đồng tiền điện.

Ngoài ra, anh còn giảm được khoảng 50% công sức nhân công dọn dẹp chuồng, chỉ việc đổ thức ăn vào máng là xong. Hơn nữa, nền lót giúp heo năng động chạy nhảy, thịt cũng săn chắc hơn, mau đạt được trọng lượng. Chỉ sau 4 tháng 10 ngày (nuôi theo cách truyền thống là 6 tháng), đàn heo của anh Nám đã vô trăm, lại không bị bệnh.

Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang là đơn vị nuôi heo trên đệm lót thử nghiệm đầu tiên của tỉnh. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm chia sẻ kinh nghiệm qua 3 đợt nuôi heo là: So với mô hình nuôi lợn trên nền chuồng xi măng, có tắm dội hàng ngày thì nuôi lợn trên đệm lót sinh học giảm được hơn 13% chi phí (bao gồm các khoản tiết kiệm được như thức ăn 5%, nước 85%, nhân công 50%, điện 100%...).

Không chỉ vậy, đệm lót sinh học là nguồn phân hữu cơ rất có giá trị, hấp dẫn đối với các hộ làm vườn. Theo ông Huỳnh Văn Thép, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, thì nguồn đệm lót thải ra đã được Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã tìm được mối tiêu thụ.

Mỗi kg đệm lót bán được 2.000 đồng. Như vậy, với diện tích chừng 10m2 chuồng nuôi, ông Thép thu về khoảng 2,5 tấn nệm lót trộn phân heo đã được phân hủy thành phân hữu cơ (đã trừ hao hụt). Sau vài vụ nuôi heo, ngoài việc thu lời từ heo, ông lãi gần triệu đồng so với chi phí mua đệm lót ban đầu.

Với những ưu điểm vượt trội hơn so với cách nuôi truyền thống, hiện nay, mô hình đã được ngành nông nghiệp tỉnh nhân rộng tại 11 xã nông thôn mới và có nhiều bà con địa phương khác đến học hỏi, làm theo. Mô hình này sẽ giúp hộ chăn nuôi có thêm lựa chọn để phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian dài.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Tầm Trên Hồ Thủy Điện Sơn La Nuôi Cá Tầm Trên Hồ Thủy Điện Sơn La

Hồ thủy điện Sơn La có nhiều tiềm năng và điều kiện khí hậu phù hợp để nuôi cá tầm, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu và góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân TĐC thủy điện Sơn La.

11/01/2014
Tỷ Phú Lan Nhờ Vườn Sạch Tỷ Phú Lan Nhờ Vườn Sạch

Chủ nhân của ngôi vườn sạch này - ông Đoàn Văn Quỳnh, khẳng định rằng ông chỉ là một người mới đến với hoa địa lan (Cymbidium) vài năm nay thôi. Trước đó 6.000m2 vườn nhà ông trồng hồng môn và trước đó nữa thì ông chỉ buôn bán.

25/12/2013
Ngư Dân Cảnh Dương Trúng Đậm Cá Khoai Ngư Dân Cảnh Dương Trúng Đậm Cá Khoai

Đầu năm mới 2014, ngư dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã trúng mùa cá khoai. Đặc biệt, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt. Tại các bến cá của xã Cảnh Dương, thuyền đánh cá của ngư dân liên tục cập bến và mỗi ngày sản lượng cá khoai đánh bắt ước tính từ 10 đến 15 tấn. Đối với ngư dân trong xã thì đây được coi là vụ mùa “bội thu” cá khoai...

11/01/2014
Cảnh Báo Phong Trào Nuôi Tôm Tự Phát Cảnh Báo Phong Trào Nuôi Tôm Tự Phát

Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng liên tiếp được đào mới từ những rẫy mía ven Sông Hậu thuộc địa bàn huyện Long Phú và Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

13/01/2014
Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại

Cũng như bao vùng quê khác ở vùng Đồng bằng sông Hồng, nghề làm vườn và kinh tế VAC ở Vĩnh Phúc đã có từ lâu đời. Những tên đất, tên miền gắn với từng sản vật đã trở nên nổi tiếng như dứa Hướng Đạo, vải Can Bi, cá Đầm Rưng... Bắt nhịp với truyền thống đó, ngay từ khi mới thành lập, Hội Làm vườn (HLV) Vĩnh Phúc đã vận động, chỉ đạo nông dân và hội viên thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển vườn chuyên canh với những giống cây trồng cho hiệu quả, năng suất cao.

25/12/2013