Hắt Hiu Nghề Nuôi Cá Lóc

Thời gian gần đây, mô hình ương nuôi cá lóc giống và cá lóc thương phẩm phát triển mạnh nên nông dân thi nhau đào ao nuôi cá. Việc ương nuôi theo phong trào nên khó tránh khỏi khó khăn ở đầu ra….
Đã cảnh báo trước
Phong trào ương nuôi cá lóc giống phát triển ồ ạt từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm ở nhiều địa phương của huyện Châu Phú và Phú Tân (An Giang). Nhiều héc-ta đất đang làm ruộng, nông dân chuyển sang đào ao nuôi cá, bất chấp sự cảnh báo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, dẫn đến hệ lụy cung vượt cầu.
Trở lại vùng nuôi cá lóc ở xã Khánh Hòa và xã Mỹ Phú (Châu Phú) vào những ngày cuối năm, nông dân không còn hối hả, tất bật như trước. Anh Trần Thanh Giàu (xã Mỹ Phú) vừa đưa chiếc vợt xúc đàn cá bố mẹ lên bồn chờ bạn hàng đến cân cá chợ, vừa nói: “Tết năm nay xem như trắng tay bởi nghề ương nuôi cá lóc giống.
Nếu mấy tháng trước, giá cá lóc giống ở mức 350.000 đồng/kg, có lúc “sốt giá” lên đến 500.000 đồng/kg, còn nay thì giảm xuống chỉ còn 120.000-150.000 đồng/kg. Đợt cá vừa rồi, tôi thả nuôi 30 cặp cá bố mẹ trong 30 chiếc vuông (rộng khoảng 3m2), sau khoảng 20 ngày ép và chăm sóc, đàn cá đẻ từ 3-4kg cá giống/cặp. Tuy nhiên, mối lái chỉ thu mua với giá 120.000 đồng/kg. Thấy thị trường cá giống giảm mạnh, tôi bấm bụng bán và lỗ hơn 10 triệu đồng”.
Cùng cảnh ngộ như anh Giàu, nhiều nông dân khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Ngồi bên vuông ương nuôi cá lóc giống với diện tích khoảng 4.000m2, ông Thái Văn Thanh thở dài: “Lúc đầu, chỉ vài hộ ương nuôi cá lóc giống nên kiếm ăn được lắm! Mỗi tháng nuôi cá, chúng tôi bỏ túi từ 10 triệu - 15 triệu đồng, hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Đến lúc, nhiều người phá lúa hoặc vườn tạp để đào vuông ương nuôi thì giá cá lóc giống mới giảm thê thảm. Vừa rồi, tôi gạn 36 vuông cá lóc giống chỉ được hơn 20kg, bán với giá 130.000 đồng/kg, lỗ hơn 20 triệu đồng. Ương nuôi cá lóc giống bây giờ mất ăn lắm. Bởi, môi trường nước bị ô nhiễm cá dễ sinh bệnh, đôi khi gặp thời tiết mưa đột ngột thì cá con hao hụt nhiều, lỗ trắng tay”.
Cá lóc thương phẩm cũng giảm mạnh
Nếu cá lóc giống giảm mạnh thì cá lóc thương phẩm cũng bị rớt giá. Vào những tháng cận Tết những năm trước, giá cá lóc khoảng 36.000 đến 40.000 đồng/kg thì nay giảm chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg. Anh Giàu là người ương nuôi cá lóc giống và cá thịt cũng bị lỗ nặng.
Anh ủ dột: “Đàn cá chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết, hổm rài thương lái mua giá chỉ 28.000 đồng/kg, với giá này tôi lỗ hơn 20 triệu đồng. Hiện tại, giá thức ăn viên ở mức 25.000 đồng/kg, trong khi đó, nếu nuôi cá đạt trọng lượng 1kg thì tốn ít nhất 1,2kg thức ăn. Do vậy, giá cá thương phẩm phải 35.0000 đồng/kg thì người nuôi mới có lời”.
Là người khởi xướng phong trào ương nuôi cá lóc giống ở xã Khánh Hòa, anh Nguyễn Văn Luông thiệt tình: “Nuôi cá lóc giống rủi ro rất cao. Khâu quan trọng là phải nắm vững kỹ thuật, đừng thấy người khác nuôi hiệu quả mà ồ ạt chạy theo. Tôi đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề ương nuôi cá lóc giống, mà đôi lúc còn bị thất bại.
Tại thời điểm này, cá lóc nuôi “đụng” với cá đồng nên giá giảm mạnh. Nếu cá lóc thương phẩm rớt giá thì người nuôi không mặn mòi với nghề nuôi nữa, kéo theo cá giống cũng giảm. Đây là quy luật cung-cầu mà trước đây con cá tra cũng lâm vào tình cảnh như vậy”.
Hiện nay, hàng loạt hộ ương nuôi cá lóc ở huyện Châu Phú và Phú Tântạm thời bỏ trống ao do giá cá giảm mạnh. Có người mới nuôi cũng bị lỗ nặng. Nếu trước đây, những cặp cá bố mẹ được người nuôi mua với giá 200.000 đồng/cặp thì nay bán cá chợ chỉ với giá 28.000 đồng/kg mà cũng ít người mua.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối năm âm lịch này, nông dân trồng khoai mỡ ở Phú Mỹ rất phấn khởi, vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, một trong những hộ trồng khoai mỡ lâu năm trong ấp, phấn khởi cho biết, anh có 8 công trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch vừa qua được trên 17 tấn khoai mỡ lớn nhỏ.

Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.

Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.

Ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đưa chúng tôi đến ấp Phước Giang thăm gia đình ông Nguyễn Huỳnh Hắng (sinh năm 1963), một nông dân đã sáng chế và đang vận hành thử nghiệm máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa.

Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh đang ra sức chăm sóc những rẫy dưa với hy vọng có được vụ mùa bội thu. Qua khảo sát, trong vụ dưa hấu tết năm nay đa phần nông dân đều lựa chọn trồng giống dưa chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp và được thị trường ưa chuộng.