Hấp Dẫn Bưởi Da Xanh, Ruột Hồng

Đây là sản phẩm mới của vùng đất đầu nguồn, xuất xứ từ mô hình “cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả” của ông Trịnh Thanh Trà (khóm Long Thạnh B, phường Long Thạnh) được hội viên, nông dân các xã, phường ở thị xã Tân Châu (An Giang) đánh giá cao từ nhiều năm nay. Bởi lẽ, bưởi da xanh, ruột hồng là loại “trái cây có múi” nổi tiếng...
Anh Trương Văn Vũ - người trông coi khu vườn trồng bưởi da xanh, ruột hồng của ông Trà cho biết, 8 năm trước, nơi đây là khoảnh đất trồng nhiều loại cây lương thực ngắn ngày, nhưng hiệu quả không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình canh tác, ông Trà quyết định cải tạo, chọn lựa cây trồng để tăng thu nhập gia đình.
“Hồi đó, ông lên mạng tìm hiểu hầu hết các loại cây có giá trị kinh tế, điều kiện thích hợp với loại đất gò cao. Được người quen giới thiệu bưởi giống ở Chợ Mới, ông mua về trồng”- anh Vũ cho hay.
Cây bưởi da xanh, ruột hồng trong khu vườn ông Trà được trồng 4 năm thì cho thu hoạch trái. Vụ đầu tiên, năng suất đạt không cao, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Hiện nay, khu vườn bưởi da xanh, ruột hồng này đã cho thu hoạch được 3 năm, năng suất khá ổn định.
Những vụ gần đây, anh Vũ đã có kinh nghiệm cho trái rải vụ, thu hoạch quanh năm, không sợ tình trạng tới mùa thì rớt giá. “Cứ mỗi tháng, bưởi cho thu hoạch hai đợt, mỗi đợt từ 150 – 200kg, giá hiện tại từ 40.000 – 42.000 đồng/kg do thương lái đến tận vườn hái, tiêu thụ chủ yếu tại nội ô TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc”- anh Vũ thông tin.
Giống như các loại cây khác, để có một vườn bưởi da xanh, ruột hồng phát triển tốt như hiện tại, người trồng phải dành nhiều thời gian theo dõi và chăm sóc ngay từ lúc đặt cây giống cho đến lúc trổ bông, kết trái và thu hoạch.
“Khoảng cách giữa cây cách cây là 6m, ở mỗi hàng bưởi phải có mương hoặc rãnh nhỏ để giữ nước cho cây khi mùa nắng và thoát nhanh lúc ngập úng mùa mưa. Ngoài ra, cần sử dụng túi bao trái bưởi từ lúc còn nhỏ để tránh bị tác động ánh nắng và sâu”- anh Vũ kinh nghiệm.
Cũng theo anh, bưởi da xanh, ruột hồng là loại cây mới xuất hiện ở địa phương, kinh nghiệm trồng chưa nhiều nên kỹ thuật để có trái bưởi da xanh mướt và vị ngọt thanh là điều không dễ dàng. Muốn có năng suất cao, ngoài việc bón phân, tưới nước đầy đủ thì nhà vườn phải thường xuyên chăm sóc cây, cắt cành, tạo tán.
Đặc biệt, người trồng phải phân biệt được chồi cho trái và chồi tượt. Với “bí quyết” này, anh Vũ còn nắm cả thời gian ra hoa đến khi kết trái kéo dài từ 1,5–2 tháng, từ trái con đến lúc thu hoạch khoảng 5 tháng. Đối với thu hoạch, tránh việc hái lầm trái non, cần phải nhận dạng hình thể và màu da.
Hiện tại, ngoài việc bán bưởi trái, vườn bưởi của ông Trà còn chiết cành bán giống, giá 15.000 đồng/cành. Nhờ vậy, mô hình vườn (12 công đất) trồng bưởi da xanh, ruột hồng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
“Việc trồng ổi, xoài Đài Loan xen vườn bưởi da xanh, ruột hồng của ông Trịnh Thanh Trà (khóm Long Thạnh B) là một mô hình “cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả” cho hiệu quả kinh tế cao và là điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương”- ông Phạm Văn Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Thạnh, nhận xét.
Có thể bạn quan tâm

Ngay tại thị xã Bắc Kạn, những mô hình nuôi lợn lai rừng theo hình thức bán hoang dã đã được thực hiện hiệu quả. Nông hộ bỏ vốn đầu tư không quá lớn; công chăm sóc ít mà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nuôi lợn bán hoang dã đang hứa hẹn trở thành hướng làm kinh tế hiệu quả cao.

Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.