Hành lá hút hàng

Là xã cù lao của huyện Châu Phú (An Giang), người dân Khánh Hòa và Bình Thủy có truyền thống gần 40 năm trồng hành, hẹ. Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng hành ở huyện Châu Phú thu hoạch trong không khí được mùa, được giá...
Giá bán dao động theo từng thời điểm, từ 8.000 lên 10.000 rồi tăng 12.000đ/kg (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước) và giá bán hành lá tại các chợ hiện đang ở mức 16.000đ/kg.
Nguyên nhân do thị trường hút hàng, nhất là thị trường Campuchia đang tiêu thụ rất mạnh, nên đẩy giá lên cao, lợi nhuận mỗi ha một vụ thu khoảng 150 triệu đồng.
Về xã Khánh Hòa, một trong những xã có vùng màu trọng điểm của huyện, với diện tích lên đến hàng trăm ha.
Dọc theo con đường bê tông về ấp Khánh Phát và ấp Khánh Bình, những cánh đồng hành đang xanh rờn, nông dân đã và đang thu hoạch từng ruộng. Dường như, niềm vui cây hành được mùa, được giá khiến bà con không còn thấy mệt mỏi dưới cái nắng chói chang.
Như bao gia đình nông dân ở đây, bà Nguyễn Thị Bền, ngụ ở ấp Khánh Bình phải thức từ 11 giờ đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau, cùng với 4 nhân công nhổ hành và lặt lá, bó lại để 11 giờ trưa kịp giao cho các thương lái đến tận nhà thu mua.
Bà Bền phấn khởi cho biết: “Năm nay hành được mùa, được giá nên người trồng hành đều có mức thu nhập cao. Gia đình tôi trồng 4 công, vừa thu hoạch năng suất đạt 3 tấn/công, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 10.000đ/kg, trừ hết chi phí vụ hành này còn lời hơn 60 triệu đồng”.
Bà Bền còn cho biết thêm: So với cây lúa thì trồng hành có lãi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, không phải trồng hành vụ nào cũng trúng mùa, trúng giá như vụ này. Mấy năm trước hành có lúc rớt giá chỉ còn 3.000 đến 4.000đ/kg, nên người dân bị thua lỗ.
Năm 2014, giá hành từ 6.000 - 7.000đ/kg, nên cũng không có lãi mấy. Nếu hành giữ được giá như hiện nay thì nông dân ở đây sẽ tiếp tục trồng hành.
Cùng ngụ ấp Khánh Bình, ông Hồ Phước Nhanh đã chuyển 1 công trong 7 công đất lúa sang trồng hành. Năm nay là năm thứ 3 ông trồng hành lá. Vụ hành này đã được 40 ngày, đang chuẩn bị thu hoạch, với giá 12.000đ/kg, ông rất phấn khởi. Ông Nhanh thổ lộ: “Vụ này, năng suất không dưới 3 tấn/công, giá lại cao, trừ tất cả chi phí gia đình tôi sẽ có lãi từ 15 triệu đồng/công trở lên”.
Ông Trần Văn Tùng – Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: Trong những năm gần đây, mô hình trồng hành đã đem lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân địa phương nhờ đó mà có cuộc sống khấm khá, người làm thuê cũng có công ăn việc làm thường xuyên.
Hiện toàn xã có từ 25 đến 27ha hành. Song xã vẫn khuyến cáo bà con không nên vì hành có giá cao mà mở rộng diện tích. Đây là cách để góp phần giữ giá hành ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Hoàng Tuấn – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú nói: “Hành là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, thương lái đến thu mua tại nhà nên bà con rất phấn khởi. Toàn huyện hiện có 70 ha hành lá, tập trung ở hai xã Khánh Hòa và Bình Thủy.
Từ đầu năm tới nay, hành lá hút hàng, giá cao hơn so với năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, huyện vẫn khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, mà nên lựa chọn những hoa màu thị trường cần, như vậy mới tránh được rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22.9, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân tổ chức tổng kết Mô hình Nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt năm 2015. Mô hình được thực hiện tại xã vùng cao Ân Sơn có 7 hộ tham gia với diện tích mặt nước 2000m2.

Mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về khối lượng xuất khẩu gạo nhưng giá trị đem về rất thấp, chủ yếu là xuất thô, tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu chỉ chiếm vài phần trăm. Để nâng cao giá trị, việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là rất cần thiết nhưng rất chông gai.

Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines chưa có tác động đáng kể lên giá lúa gạo trên thị trường nội địa, nhưng các chuyên gia cho rằng thương vụ này sẽ tạo ra lực nâng đáng kể cải thiện việc giữ giá xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản 8 tháng của Việt Nam chỉ đạt 19,3 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Thực tế này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cơ cấu lại sản xuất và thị trường tiêu thụ để mở rộng tiêu thụ và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản.

Do biến đổi khí hậu, nắng hạn bất thường nên trong niên vụ cà phê 2014 - 2015, nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn phát triển các loại cây trồng.