Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hàng Vào Ấn Độ Sẽ Dễ Hơn

Hàng Vào Ấn Độ Sẽ Dễ Hơn
Ngày đăng: 14/10/2014

Với dân số 1,27 tỷ người và mỗi năm nhập khẩu trên 467 tỷ USD, Ấn Độ trở thành thị trường khá hấp dẫn. Theo lộ trình, từ năm 2014 nhiều nhóm mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ sẽ được giảm thuế từ 5-20% và giảm dần về 0%.

Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1954, đến nay đã có hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và gần đây nhất là ASEAN - Ấn Độ, tránh đánh thuế hai lần. Theo cam kết, từ đầu năm 2014 nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ sẽ giảm dần và cắt bỏ thuế quan từ 5-50%.

* Nhiều mặt hàng giảm thuế

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), cho hay: “Từ đầu năm 2014, Ấn Độ giảm thuế cho hàng ngàn mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Trong đó, giảm thuế nhiều là các mặt hàng nông sản, như: tiêu, cà phê, cao su, giảm thuế từ 40-50%.

Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ cũng giảm thuế từ 3-10% và theo lộ trình sẽ dần về 0%”. Ông Huy cũng cho biết thêm, những năm qua Việt Nam đều nhập siêu từ Ấn Độ, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nhằm giảm nhập siêu và tăng cường thu hút đầu tư.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong gần 5 năm qua liên tục tăng cao. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 2,7 tỷ USD thì năm 2013 là gần 5,2 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2014 là xấp xỉ 4 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Ấn Độ năm 2010 đạt 992 triệu USD, đến năm 2013 là gần 2,4 tỷ USD và 8 tháng đầu năm đạt hơn 1,5 tỷ USD. Dự kiến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao hơn so với năm trước vì nhiều nhóm hàng có thuế giảm.

Nhóm hàng Ấn Độ đang nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là điện thoại di động, máy móc thiết bị, máy tính, hạt tiêu, cà phê, cao su. Còn Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là sắt thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, tân dược, bông phục vụ dệt may.

Bà Mai Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Cường Thịnh Phát, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), nói: “Mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 1 ngàn tấn hạt điều sang Hoa Kỳ, châu Âu, nhưng vẫn muốn mở thêm các thị trường mới. Do đó, tới đây công ty sẽ tìm hiểu kỹ thị trường Ấn Độ, nếu thuận lợi sẽ xuất khẩu sang nước này để được hưởng ưu đãi về thuế quan”.

* Cần hiểu rõ thị trường

Thuế xuất khẩu giảm là cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lưu ý, muốn xuất khẩu vào Ấn Độ doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường để tránh những mặt hàng cấm kỵ.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt trước khi ký hợp đồng xuất khẩu nên điều tra rõ về đối tác, rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật của Ấn Độ và cách vận chuyển hàng hóa để tránh bị thua thiệt.

Đồng Nai có nhiều mặt hàng Ấn Độ có nhu cầu nhập khẩu lớn, như: cà phê, cao su, hạt tiêu, máy móc và thiết bị, máy tính... mở thêm được thị trường các doanh nghiệp sẽ có thêm sự lựa chọn khi xuất khẩu hàng hóa và không bị lệ thuộc vào một, hai thị trường.

Theo ông Đỗ Hữu Huy, Bộ Công thương sẽ làm trung gian giúp các doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại sang thị trường Ấn Độ. Từ ngày 13-9 đến ngày 19-11, Bộ sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp tham gia giới thiệu hàng hóa tại Ấn Độ với số tiền là 40 triệu đồng/doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia cao cấp, cố vấn trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và dễ tin trong ký kết hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài nên tỷ lệ rủi ro khá cao.

Muốn tránh được rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ luật thương mại và điều tra xem doanh nghiệp ký kết nhập khẩu hàng hóa với mình có đảm bảo khả năng về tài chính hay không. Ngoài ra, trong các hợp đồng với đối tác Ấn Độ nên chú ý nêu rõ điều khoản khi xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết ở đâu và trách nhiệm cụ thể của từng bên”.

Theo bà Nguyễn Thị Diễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đại Huy Hoàng ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), Ấn Độ giảm thuế cho nhiều mặt hàng của Việt Nam là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Song, đây là thị trường không dễ tính nên trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp phải cẩn trọng để không bị thiệt thòi.


Có thể bạn quan tâm

Câu được cá lăng trên sông Sêrêpốk Câu được cá lăng trên sông Sêrêpốk

Hai con cá lăng lớn, một con nặng 20 kg, con khác nặng 18 kg, cả 2 con đều dài gần 1 mét đã được bà Lê Thị Hồng Cẩm (59 tuổi) - chủ nhà hàng Phương Dung tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak mua.

10/04/2015
Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh Nuôi tôm theo VietGAP nhằm hạn chế dịch bệnh

Năm 2014, sản xuất tôm nuôi đóng góp 50% giá trị xuất khẩu thủy sản và 13% giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn, nuôi tôm vẫn gặp nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để tháo gỡ khó khăn, nuôi tôm theo VietGAP đang ngày càng phổ biến ở nhiều nơi.

10/04/2015
Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các mô hình thủy sản năm 2015 Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai các mô hình thủy sản năm 2015

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xây dựng 10 mô hình nuôi trồng thủy sản tại các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức và TP. Vũng Tàu.

10/04/2015
Diện tích nuôi trồng thủy sản ở An Giang tăng 2,3% Diện tích nuôi trồng thủy sản ở An Giang tăng 2,3%

Quý I-2015, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang gần 545 héc-ta (tăng 2,3% so cùng kỳ), trong đó, diện tích nuôi cá tra gần 340 héc-ta (tương đương cùng kỳ). Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 52.000 tấn (tăng 4,8% so cùng kỳ), trong đó, sản lượng cá tra 44.000 tấn (tăng 2,1% so cùng kỳ).

10/04/2015
Huyện Phước Long (Bạc Liêu) nghiệm thu mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể Huyện Phước Long (Bạc Liêu) nghiệm thu mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể

Ngành Nông nghiệp huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa nghiệm thu thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể tại xã Vĩnh Phú Tây.

10/04/2015